Tổng luận
Trải xem văn-chương trung-cổ, mỗi thời sở trường riêng một lối, đại để như nhà Hán thì hay về văn nghị-luận và sử-ký; nhà Đường thì hay về thơ phú; nhà Tống thì hay về văn lý học. Văn nhà Hán thì hùng hồn, văn nhà Đường thì hoa mỹ, văn nhà Tống thì tinh vi. Xem văn lại nghiệm ra mỗi một thời, có một khí tượng khác nhau, như nhà Hán thì khí tượng hơi mộc mạc mà cứng cỏi, nhà Tấn thì khí tượng ngông nghênh, nhà Đường thì có ý phù hoa, song cũng mạnh mẽ, nhà Tống thì có khí tượng trang nghiêm mà hơi nhu nhược Đó là kể đại khái văn-chương của từng thời. Nếu kể riêng mấy nhà danh-gia ở trong thời-đại đó thì cũng nhiều nhà có chỗ chỉ nghị được; như văn Đổng-trọng-Thư thì thuần chính, song có ý đắm tin về đường tai dị; văn Giả-Nghị thì lẫn với ý Tuân, Hàn; văn Dương-Hùng thì theo về lối Lão, Trang; văn của Hàn-văn-Công, có kiến thức hơn người nhưng lại kém về công phu tế mật; văn của Tô-đông-Pha thì hùng thâm mẫn diệu, nhưng lại hiềm vì nhiều câu bàn không trúng lý. Duy có mấy bậc đại nho như Chu, Trình, Trương, Chu, là nghị-luận hợp với đạo thánh hiền mà thôi.
Còn thơ nổi danh nhất thì là thơ Lý-Bạch, Đỗ-Phủ; phú nổi danh nhất thì là phú Vương-Khởi, Hoàng-Thao; văn tứ lục tài nhất là Vương-Bột, Lạc-tân-Vương; văn nghị-luận giỏi nhất là Hàn, Liễu, Âu, Tô. Còn thì những tay văn-sĩ cũng nhiều, không thể nói hết được.
TIẾT THỨ VIII
Luận về văn-chương đời cận kim
Tầu từ Nguyên, Minh, ta từ Lý, Trần giở về, nên kể là thời cận kim. Trong khoảng này chia làm hai đoạn, một đoạn luận về văn-chương Tầu và một đoạn luận về văn-chương ta.