Bài « Hai người tương tư » có bốn câu rằng:
Xuân tại Tương-giang đầu,
Thiếp tại Tương-giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương-giang thủy.
Nghĩa là chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương, nhớ nhau không được trông thấy nhau, chỉ cùng uống nước sông Tương mà thôi. Đại để những bài đó, càng đọc càng thấy ý vị bát ngát, thế mới là hay.
Thơ của Hàn-thoái-Chi phần nhiều là thơ bi ai, tiên-sinh cả thẩy làm ra 360 bài mà có 30 bài thương khóc việc đời. Thơ của Bạch-lạc-Thiên phần nhiều là thơ uống rượu, tiên-sinh cả thẩy làm ra 3.800 bài mà nói về việc uống rượu đến 900 bài.
Trịnh-Hậu bình phẩm thơ đời nhà Đường có nói rằng: Lý-trích-Tiên là rồng trong thơ, quằn quại dữ dội, không ai kiềm thúc được; Đỗ-Phủ thì như kỳ-lân chơi vườn Uyển-hựu, phượng-hoàng kêu chốn Chiêu-dương, là một giống thiêng ở chốn nhân-gian; Đào-uyên-Minh thì như con hạc bay bổng trên giời, con cò nhởn nhơ bơi ngoài bể; Pháo-minh-Viễn thì như con sếu bay tít trên đám mây xanh, con hạc làm vỡ đám sương mù; Mạnh-đông-Dã thì như con dế kêu trong đám cỏ mùa thu; Bạch-lạc-Thiên thì như con chim oanh mùa xuân ở dưới bóng cây liễu. Mỗi người có một tài riêng, song đều là một cảnh đẹp của tạo-hóa.
Đến thời nhà Tống thì thịnh về lối học đạo lý, thơ của các bực đại nho phần nhiều là thơ bình đạm và toàn là mùi đạo đức nẩy ra. Như bài vịnh cái ao:
Bán mẫu phương-đường nhất giám khai,
Thiên quang vân ảnh cộng bồi hồi.
Vấn cừ na đắc thanh như hử,
Vị hữu nguyên đầu hoạt thủy lai.