Trang:Viet Han van khao.pdf/17

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 5 —

Nói rút lại thì sở dĩ có văn-chương, một là bởi ở tính-tình, hai là bởi ở tư-tưởng, ba là bởi ở ngôn-ngữ văn-tự, đó là ba cái căn-nguyên trước nhất. Có ba cái căn-nguyên ấy, rồi những sự quan-cảm ở bề ngoài đưa đến mới thành ra văn-chương vậy.

Quan-cảm bề ngoài, thì lại do ở cảnh-tượng của tạo-hóa, do ở công việc của cuộc đời, và ở cảnh-ngộ của một mình.

Cảnh-tượng của tạo-hóa hiển hiện ra trước mắt ta, nghìn hình muôn trạng làm cho ta phải nhìn phải ngắm, phải nghĩ-ngợi ngẩn-ngơ. Ta cứ theo cái cảnh-tượng ấy mà tả ra thì gọi là văn-chương tả-cảnh.

Công việc của cuộc đời, xẩy qua đến mắt ta, chạm đến tai ta, việc gần việc xa, việc nhớn việc nhỏ, có việc ta ghét, có việc ta ưa, làm cho ta phải khen phải chê, phải cười phải khóc. Ta cứ theo công việc đó mà ghi chép lại thì gọi là văn-chương tự-sự hay là nghị-luận.

Cảnh-ngộ của một mình, khi gặp được cảnh sung-sướng khi gặp phải cảnh chua cay. Ta nhân cái cảnh-ngộ đó, ta muốn giãi tỏ cái tình của ta thì gọi văn-chương tự-tình hay là thuật-hoài.

Văn-chương tuy nhiều, nhưng đại ý thì bất ngoại ba điều ấy.

Cứ như vậy thì văn-chương cũng là một cái lẽ tự nhiên phải có của trời phú-bẩm cho người ta. Song người ta tuy có sẵn cái phú-bẩm ấy, nhưng phi có tài cũng không tả ra được, mà có tài phi có học thì văn-chương cũng không sao hay được.

Văn-chương khác nhau với nhời nói thường. Nhời nói thường thì gặp đâu nói đấy, miễn là nói cho xuôi nhời, cho người ta hiểu được ý mình thì thôi. Chớ như văn-chương thì phải nói cho có ý-nhị, có văn-hoa, phải xếp đặt cho ra nhời óng-chuốt, ý tứ đầu đuôi phải quán xuyến với nhau, mới thành được văn-chương.