nguyên lý tươi tốt, tức như cái tính thiện của người ta; đến lúc cái nhân ấy đem giồng xuống đất, đất có chỗ hậu khí, có chỗ bạc khí, mới thành ra có cây tốt cây xấu khác nhau, tức như cái tính khí-chất của người ta. Song cây giồng phải đất xấu, nếu biết bón mầu bồi bổ cho nó thì nó lại tốt, tức như người ta biết sửa nết thì lại giữ được tính tự nhiên.
Từ khi có nhời ấy mới biện minh được nghĩa tính thiện của cụ Mạnh, mà giải quyết cho hai mối thiện ác của nhà nghị luận.
Thiệu-khang-Tiết (Nghiêu-phu).— Tiên-sanh tinh thông về Dịch-lý, bao nhiêu tâm thuật tinh vi của tiên-sanh, hết thảy phát hiện ra một bộ « Hoàng-cực kinh thế ». Tiên-sanh suy một lẽ âm dương cơ ngẫu, (tự một sinh hai, tự hai sinh bốn), cho nên phàm việc gì cũng lấy số bốn mà so sánh với nhau. Trong bộ sách này, lấy nhật (mặt giời), nguyệt (mặt giăng), tinh thần (các sao), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất), thạch (đá), cai hết sự thể, dụng của giời đất; lấy hàn (rét), thử (nắng), chú (ngày), dạ (đêm), vũ (mưa), phong (gió), lộ (móc), lôi (sấm), cai hết sự biến hóa của giời đất; lấy tính (tính có sẵn ở trong), tình (tình phát hiện ra ngoài), hình (hình sắc), thể (thể chất), tẩu (giống biết chạy), phi (giống biết bay), thảo (loài cỏ), mộc (loài cây), cai hết tình cảm ứng của muôn vật; lấy nguyên (12 hội), hội (30 vận), vận (12 thế), thế (30 năm), tuế (năm), nguyệt (tháng), nhật (ngày), thời (giờ), cai hết cuộc trước sau của giời đất; lấy hoàng (Tam-hoàng), đế (Ngũ-đế), vương (Tam-vương), bá (Ngũ-bá), dịch (Kinh dịch), lễ (Kinh lễ), thi (Kinh thi), xuân thu (Kinh Xuân thu), cai hết sự nghiệp của thánh hiền.
Cứ như ý tiên-sanh thì trông cái gì cũng thành ra bốn mảnh, ngoài bốn mảnh này lại có bốn mảnh khác, suy mãi cho cùng cực thành ra muôn vật muôn sự ở đời. Tiên-sanh lại suy một lẽ âm dương tiêu trưởng, cho cái cuộc thịnh suy bĩ thái ở đời, là số nhất định. Ví như từ giờ tý (12 giờ đêm) đến giờ ngọ (12 giờ trưa) là lúc âm tiêu dương trưởng, tức là hồi từ suy sang thịnh trong một