Trang:Viet Han van khao.pdf/16

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

TIẾT THỨ I

LUẬN VỀ NGUYÊN-LÝ VĂN-CHƯƠNG

Phàm việc gì cũng có nguyên-lý. Nguyên-lý tức là cái lẽ căn-nguyên của việc ấy. Văn-chương cũng vậy. Đặt nên câu thơ câu hát, viết ra bài luận bài văn, thì gọi là văn-chương. Song thử xét xem căn-nguyên của văn-chương ấy, bởi lẽ gì mà có, vì ở đâu mà sinh ra thì gọi là nguyên-lý văn-chương.

Cha mẹ dạy con, giảng giải điều hơn lẽ thiệt, rạch ròi kẽ tóc chân tơ. Hai người tự tình biệt ly với nhau, ấm lạnh ngọt bùi, kể hết nỗi này kể sang nỗi khác. Người đàn bà lỡ bước, thở dài than vắn, phàn nàn những số phận hẩm hiu. Đứa mục đồng đi chăn trâu, nhân khi thích chí nghêu ngao vài tiếng giữa đồng, đó toàn là cái mầm của văn-chương cả. Nói cho cùng thì một tiếng cười một tiếng khóc của đứa trẻ thơ, cũng là cái gốc của văn-chương.

Người ta có tính-tình, có tư-tưởng, có ngôn-ngữ văn-tự, thì tự nhiên phải có văn-chương. Tính-tình người ta cảm xúc với ngoại vật, sinh ra khi mừng, khi giận, khi vui, khi buồn, khi xót xa, khi ham muốn. Các mối tình ấy chứa ở trong bụng, tất phải phát tiết ra nhời nói: đó tức là nguyên-lý văn-chương.

Tư-tưởng là cái trí suy nghĩ tự trong óc biết phân biệt lẽ phải lẽ trái, biết phán đoán điều dở điều hay, biết suy xét đến những lý cao xa, mắt không trông thấy tai không nghe tiếng. Những điều nghĩ ra được lại muốn tỏ cho người khác biết, đó cũng là nguyên-lý văn-chương.

Có tính-tình, tư-tưởng, mà nếu không có ngôn-ngữ văn-tự thì cũng không thành văn-chương được. Xem như giống súc-vật cũng có cảm-giác, có tri-thức, mà không có văn-chương là bởi không có ngôn-ngữ văn-tự. Vậy ta phải nhờ có ngôn-ngữ văn-tự mới đạt được tính-tình tư-tưởng của ta, thì ngôn-ngữ văn-tự cũng là cái nguyên-ủy của văn-chương.