Trang:Viet Han van khao.pdf/151

Trang này cần phải được hiệu đính.
— 139 —

Tuy vậy, học thuật của Văn tiên-sanh cũng hơi gần với chính đạo, và cũng có nơi thực dụng. Xét cái ý hướng bình sinh của tiên-sanh, dẫu chưa khỏi được cái thói phóng đãng, phù hoa của nhà văn-sĩ và cái bụng công danh phú quí của thế-tục, nhưng mà rộng xem những sự biến xưa nay, mong đem học thuật để thi thố ra sự nghiệp, cũng chưa ai gắn bó và có điều lý phân minh bằng tiên-sanh vậy.

Đường nho

Hàn-Dũ (Hàn-xương-Lê).— Thời tiên-sanh, lối học của Phật, Lão đang thịnh, nhân tâm say đắm về lý tưởng thanh tĩnh tịch diệt, cho những việc cần dùng của hàng ngày như cái bã giả, coi những cương thường luân lý như cái bướu thừa. Hàn tiên-sanh thấy vậy, e rằng đạo Phật, Lão thịnh hành, thì đạo giáo của thánh hiền ắt phải suy biến. Tiên-sanh bèn làm ra các thiên « Nguyên-đạo », « Nguyên-tính », « Sư-thuyết » để giãi tỏ đạo lý của thánh hiền. Tiên-sanh nói đạo thì gốc ở nhân nghĩa, nói tính thì chia làm ba bậc, mà đạo ấy tính ấy chẳng qua cũng phát hiện ra trong phận vua tôi cha con, thi hành ra các việc lễ nhạc hình chính, khiến cho công dụng của đạo lý, lại rõ ràng ra thiên-hạ, ấy là công của tiên-sanh.

Cái công vệ-đạo của tiên-sanh bấy giờ, tựa như kéo lại cái sóng đã đổ, chắn lấp trăm ngọn sông mà cho chẩy về đông, nghĩa là làm cho nhân tâm tỉnh cả lại, thực là có công to với thánh hiền. Vậy nên sĩ phu khi đó, coi tiên-sanh rất trọng vọng, như là núi Thái-sơn và sao Bắc-đẩu. Ông Tô-Thức có khen tiên-sanh rằng: « Mình là một kẻ thất-phu mà làm thày cho muôn đời, lấy một lời nói mà làm phép cho thiên-hạ ». Lại nói rằng: « Từ nhà Đông-Hán giở về, đạo thánh hiền sa đắm, bọn dị đoan tranh nhau mà nổi lên; trải đến thời Trinh-quán, Khai-nguyên nhà Đường, có Phòng, Đỗ, Diêu, Tống mà cũng không cứu lại được. Duy có tiên-sanh, xuất thân là người áo vải, chỉ cười cợt bàn nói mà làm đổ được bọn dị-đoan, để cho thiên-hạ xô về chính-đạo, đã được 300 năm nay ». Lời ấy chính là kể cái công vệ-đạo của tiên-sanh vậy.