Trang:Viet Han van khao.pdf/150

Trang này cần phải được hiệu đính.
— 138 —

Chí khí cũng muốn làm như đức Khổng-tử, song kiến thức hẹp hòi, chẳng qua như đứa trẻ làm cái nhà nhỏ bằng gạch để chơi vậy.

Ông Chu-tử nói rằng: « Văn-trung-Tử ban đầu muốn làm như sự nghiệp Y, Chu, sau thấy đạo của mình không được thi dụng với đời, mới lại chăm chăm làm đức Khổng-tử. Chí của ông ta cũng không vừa, nhưng cũng bởi không đè nén được cái bụng hiếu cao dục tốc, cho nên lại hóa thành lụy. Ông ta lấy trứ thư lập ngôn làm trách nhiệm của mình, bèn nhặt nhạnh những văn tự quê mùa cùng là những công việc nhỏ nhặt, tìm những chuyện hơi giống nhau, bắt chước làm ra sáu kinh, rồi gượng lấy người này người khác, đem lên so sánh với Nhị-đế, Tam-vương. Nay xét xem trong bộ Trung-thuyết, mà biết cái quy mô đại khái của ông ta. Kìa như ông ta tán Dịch, há đủ biết cái thể dụng của Tiên-thiên Hậu-thiên; mà chế sắc của Cao, Văn, Võ, Tuyên (các vua nhà Hán), có đâu được như đạo « tinh nhất chấp trung » ở trong kinh Thư; những thơ của Tào, Lưu, Thẩm, Tạ, có đâu được như nhời dạy « vật tắc dân di » ở trong kinh Thi; lễ nhạc của Thúc-tôn-Thông, Công-tôn-Thuật, Tào-Bao, Tuân-Húc, há sánh được với lễ nhạc của Bá-Di, Hậu Qùy, Chu-Công. Đến như từ đời Tống, Ngụy giở về, một nam một bắc, so sánh công đức, vị tất ai đã hơn ai, cái thống tự kế thừa thiên hay chính, hà tất phải bàn, vậy mà vung tay nghị luận, khen kẻ nọ chê kẻ kia, để sánh với kinh Xuân-thu sao được. Ông ta không tự biết mình không đủ làm nổi được Chu, Khổng, lại không biết hai nhà Hán không làm nổi được Tam-vương, lại muốn cầu ở trong ảnh-hưởng tương tự, mà đem so sánh với nhau, đã tự-đắc là sách của ta đủ nối được thánh-nhân đời xưa mà lưu truyền dạy cho các vua về sau, nhưng không biết rằng quyển sách ấy chỉ đủ làm trò chơi cho trẻ con vậy ».