rồi ba nhân thành chín, chín nhân thành 27, 27 nhân thành 81 bài. Đó là bắt chước lối suy diễn cái số âm dương tiêu trưởng để mà giải nghĩa lý. Song số trong Dịch là số tự nhiên của thiên địa tạo hóa; mà số của Thái-huyền thì là miễn cưỡng mà ghép lại. Cốt để giải nghĩa Dịch mà thành ra trái với nghĩa Dịch. Trình tiên-sanh có bác rằng: « Dương-Hùng làm sách Thái-huyền cốt để giải tỏ nghĩa Dịch mà hóa lại tối đi, không ích gì đến Dịch, chẳng qua chỉ thêm phiền, tựa như dưới cái nhà lại làm cái nhà khác, hay là trên cái gường lại chồng cái giường nữa ». Nghĩa là chỉ thêm việc ra đó thôi.
Tuy vậy, nói đến văn-chương thì hùng văn đại-bút, bàn nói việc xưa nay, mạnh mẽ như khơi tháo sông Giang sông Hán, mặt nước mông mênh, không biết đâu là bờ, người sau làm văn chưa dễ mấy người bằng được.
Tư-mã-Thiên (Tư-mã-tử-Tràng). – Tư-Mã tiên-sanh soạn nên một bộ sử-ký chép công việc từ thời vua Hoàng-đế đến thời vua Hán Võ-đế, gọi là bộ Thực-lục. Văn-chương bút lực rất hùng. Xem như trong một thiên, kể vài chục việc một lúc, mà phô tự lần lượt rất khéo, không sót một việc gì, mà cũng không trùng một ý gì. Đến những chỗ một việc rất thô bỉ, dùng một lời rất quê kịch. mà cũng điểm hóa cho ra văn thanh nhã, đó mới thực là đại tài. Lại xem như bài tựa của Mã-Tồn tặng Cáp-bang-Thức nói văn-chương của tiên-sanh do ở sự lịch lãm mà hay, (bài ấy đã dẫn ở trên tiết IV), thì đủ biết cái tài của tiên-sanh vậy.
Tùy nho
Vương-Thông (Văn-trung-Tử).— Vương tiên-sanh cũng là một bậc ẩn quân-tử thời nhà Tùy. Soạn những văn chế cáo của thời nhà Hán để tục vào kinh Thư; nhặt những thơ của Tào-Thực, Lưu-Trinh, Thẩm-Ước, Tạ-Diêu để tục vào kinh Thi, lại tán đạo kinh Dịch, chính lại phép lễ nhạc, và làm ra bộ Trung-thuyết để sánh với sách Luận-ngữ.