gì cũng dễ cả. Cho nên trong kinh-văn có nói rằng: « Tự thiên-tử chí ư thứ-nhân, nhất thị giai dĩ tu-thân vi bản », nghĩa là từ thiên-tử cho đến kẻ thường-dân, hết thẩy, đều phải lấy tu-thân làm gốc.
Có như phép cổ-giả dạy người như thế, thì chuyên-trọng nhất là khoa luân-lý. Tuy vậy, nói đến cách-vật, trí-tri thì tức cũng là một khoa dạy cách-trí; nói đến trị-quốc bình thiên-hạ thì tức cũng là một khoa dạy chính-trị. Nếu người sau biết suy diễn nhời ấy cho cùng cực tinh vi thì cũng chẳng khác gì các lối học Âu-châu; tiếc vì thánh nhân khai đoan nói qua một vài nhời mà người sau không biết suy rộng ra vậy.
Luận-ngữ.— Luận-ngữ là một bộ sách ghi chép những ngôn ngữ đức-hạnh của đức Khổng-tử, mà do ở bọn học-trò thầy Tăng-tử và thầy Hữu-tử (hai thầy vào bực cao-hiền ở thánh môn) soạn ra.
Đức Khổng-tử là một bực đại-thánh-triết, chẳng những là thiên-tư ngài minh-mẫn, biết thấu các lẽ tinh-vi huyền-diệu; mà đạo-đức của ngài rất cao rất lớn, phàm ngài nói ra câu gì hay là làm việc gì, đều làm khuôn phép được cho muôn đời noi theo. Ngài truyền đạo-thống của các thánh-đế minh-vương đời trước, san định ra sáu kinh, mở ra nho-giáo, đạo ngài lưu truyền khắp cõi Á-đông, lừng lẫy đã mấy nghìn năm nay. Lịch-sử của ngài thế nào, tường tự ở tập « Việt-Nam phong-tục » bất tất phải nói ở đây nữa.
Cứ xem trong bộ Luận-ngữ mà ngẫm những cách cư xử và những nhời ngài dạy người, thì tỏ ra cái khí-tượng ôn-cung hòa-nhã của ngài; xem những lúc ngài đi chu-du các nước, lật-đật vất vả thì tỏ ra cái bụng ưu-thời mẫn-thế của ngài; mà nhất là xem trong thiên « Hương-đảng » người làm sách chép đến cả dáng điệu của ngài khi thường nhật, khi tế-tự, khi đối với hương-đảng, khi đối với vua; cùng là những cách ăn mặc thì như vẽ ra một vị thánh-nhân.