về, trước kia cũng chưa có thế. Vua Nghiêu đem thiên-hạ nhường cho vua Thuấn, vua Thuấn lại đem thiên-hạ nhường cho vua Vũ, khá phải là việc nhỏ, mà thiên-hạ yên lặng không ai nói gì; đến thời vua Bàn-Canh vì nước vỡ mà dời đô, vốn muốn để yên cho dân, vậy mà dân tình xôn xao, đến nỗi phải giảng dụ mãi mới nghe. Song đời đó còn là dễ, đến đời nhà Chu xử bọn dân nhà Thương, tự thiên Đại-cáo giở về sau, thiên Tất-mịnh giở về trước, dỗ dành khuyên bảo, lúc thì như là cho thuốc thang, lúc thì như là cho ăn uống, lúc dậm dọa ghét mỏ, coi như rắn rết, lúc thì thương giấu nưng niu, coi như con đỏ, trải 36 năm giời mới yên, sánh với việc Nghiêu, Thuấn khu xử bọn Tam-miêu, sao một đằng thì nhàn nhã, một đằng thì vất vả, khác nhau xa như thế? Cuối cùng đến hai thiên Lỗ-thệ, Tần-thệ thì tỏ ra rằng đời vương-giả đã tắt mà đời bá-giả đã đốm ra vậy ». Xem một đoạn đó, có thể hiểu qua được công việc trong kinh Thư và khiến cho người than thở vì cổ-phong một ngày một kém vậy.
Kinh Thi.— Kinh Thi toàn là những bài ca dao và các bài nhạc ca ở đời Thương, Chu.
Muốn biết. nguyên-ủy kinh Thi làm sao thì hãy xem bài truyện tự của ông Chu-Hy.
Bài ấy nói rằng: « Có người hỏi ta rằng: Thi vì cớ gì mà làm ra? Ta đáp rằng người ta sinh ra vốn yên tĩnh, là tính của giời phú cho; đến khi cảm giác với ngoại vật thì mới động, đó là cái lòng dục của bản-tính. Đã có lòng dục thì chắc phải nghĩ ngợi, đã nghĩ ngợi thì chắc phải nói, nói không hết mới sinh ra ngậm ngùi thở than, mà không sao thôi được, vì lẽ ấy mà có thơ vậy.— Vậy thì đem thơ ra dạy người là bởi cớ gì? Đáp rằng: Thơ là bởi ở lòng người cảm súc với ngoại vật mà phát hiện ra nhời nói. Cái cảm súc có kẻ tà người chính, cho nên phát hiện ra nhời nói có phải trái khác nhau. Duy có thánh-nhân ở trên, có giáo-hóa hay thì lòng người cảm súc được những mối tình chính đính, mà nói ra đều có thể dạy được người; hoặc giả có kẻ cảm súc những mối tình thiên tà mà nói ra không chính, thì người trên phải nghĩ vào mình,