Trang:Viet Han van khao.pdf/127

Trang này cần phải được hiệu đính.
— 115 —

hết mùa rét rồi đến mùa nực, hết mùa nực rồi lại đến mùa rét; người trẻ rồi lớn, lớn rồi già, già rồi chết, người này chết thì người khác lại sinh; cây cối mọc rồi có hoa, có hoa rồi có quả, quả già thì rụng, rụng lại mọc lên cây khác. Vì lẽ ấy mà muôn vật sinh sinh hóa hóa vô cùng; lại vì lẽ sinh hóa vô cùng ấy mà nghiệm ra mỗi thời xoay đổi mỗi khác. Thời đã xoay đổi thì người ta ở đời cũng không có thể chấp-nhất được. Ví như giời rét thì mặc áo kép, giời nóng thì mặc áo đơn, phải theo thời mà ứng biến. Cho nên nghĩa quan trọng nhất ở kinh Dịch, là dạy người ta phải theo thời, mỗi quẻ có một thời khác nhau, mỗi một hào lại có một thời khác nhau, thời nào là thời nên ra, thời nào là thời nên ẩn, thời nào là thời nên nói, thời nào là thời nên im, thời nào là thời nên làm việc gì, đều có một nghĩa nên theo cả. Bởi thế mới gọi là « Dịch », Dịch nghĩa là biến dịch để mà theo thời. Trong quẻ Tùy có câu « tùy thời chi nghĩa đại hy tai » nghĩa là cái nghĩa theo thời lớn vậy thay. Một câu ấy đủ cai hết đại-nghĩa một bộ kinh Dịch.

Kinh Thư.— Kinh Thư là một bộ sách ghi chép các công việc chính-trị và các lời khuyên răn ban bảo của các bậc thánh-đế minh-vương, hiền-thần lương-phụ ở đời Đường, Ngu, Tam-đại.

Trong khoảng đó, trên thì có những thánh-đế minh-vương như Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Võ, Thái-giáp Cao-tôn v. v.; dưới thì có những hiền-thần lương-phụ như Cao-Quì, Tắc-Tiết, Y, Phó, Chu, Thiệu v. v. Có vua tôi ấy, trong thì khuyên răn nhau lấy những điều đạo nghĩa, ngoài thì thi-hành ra mọi việc nhân-chính, đặt ra kỷ cương pháp độ, chế ra lễ nhạc điển hình, làm nên công hiệu thịnh-trị thái-hòa, khiến cho nghìn muôn năm về sau, không bao giờ lại được trông thấy cái cảnh tượng như thế.

Song cứ xét ra trong cả bộ kinh Thư mà cứu ra một mối căn nguyên sở dĩ làm nên công hiệu thịnh-trị ấy, có thể nói vắn tắt được là bởi một chữ « tâm » mà ra. Chữ « tâm » ấy bắt đầu từ khi vua Thuấn truyền ngôi cho vua