cái lý thú đó dẫu tầm thường, nhưng cũng có thể di dưỡng được tinh thần của người ta, mà cũng phải là người đạt giả mới lĩnh hội được.
Văn-chương cũng là một nghề chơi, mà nghề chơi lại thanh nhã, lại hữu dụng, cho nên cái lý thú cũng to hơn các cuộc chơi khác.
Muốn biết cái lý thú của văn-chương thì trước hết phải biết cái hay của văn-chương.
Thế nào là cái hay của văn-chương?
Văn-chương không phải gọt từng chữ luyện từng câu là hay, không phải đặt lấy kinh hiệu, đọc lấy rền rĩ là hay, cũng không phải chắp chỉnh câu biền câu ngẫu, kỳ khu chổ phượng chạm rồng là hay. Hay là hay ở tư-tưởng cao, hay là hay ở kiến thức rộng, hay là hay ở nhời bàn thấu lý, hay là hay ở câu nói đạt tình.
Có cái hay kỳ cổ, có cái hay hùng kiệt, có cái hay hồn hậu, có cái hay thanh sảng, có cái hay bóng bẩy như vầng giăng dưới nước, như cành hoa trong gương; có cái hay man mác như gió phẩy mặt nước, sao mọc trên giời; có cái hay rực rỡ như thêu hoa dệt gấm, có cái hay quý báu như nhả ngọc phun châu.
Văn-chương lại ở tự tâm-khí nữa. Ông Mạnh-đông-Giã có nói rằng: « Văn-chương là tâm-khí của hiền-nhân, tâm-khí vui thì văn-chương chính, tâm-khí trái thì văn-chương không chính ».
Văn-chương lại hay ở tự học-thức nhiều. Ông Phó-cảnh-Nhân có nói rằng: « Tay áo dài khéo múa, lắm tiền khéo buôn. Ta chỉ nên lấy sách cổ-nhân, học cho thuộc và hiểu cho đến nghĩa tinh vi, thì tự nhiên nẩy ra văn-chương, rõ ràng như dáng mùa xuân, thơm tho như mùi lan huệ ».
Văn-chương lại hay ở sự lịch duyệt nữa. Xem bài tựa của Mã-Tồn kể cái hay của Tư-mã-Thiên nói rằng: « Tử-trường bình sinh tính hay chơi đang lúc còn trẻ tuổi, hăng hái tự phụ, không dừng chân ở nhà mấy khi, không phải là đắm mê chơi dong đâu, nghĩa là xem cho