tài thì đặt nhời mới khéo, có thức thì luận nghĩa mới cao. Lý là cái lẽ của sự vật, để làm chủ-trương cho nhời văn; ý là cái ý-kiến của mình, để làm chủ-trương cho tứ văn. Từ là nhời nhẽ, cần phải rõ ràng; cách là cách cục, cần phải tề chỉnh. Cơ là cái máy vận-động, làm cho văn-chương được hoạt bát; thế là cái sức đưa đẩy, làm cho văn chương có điều độ. Điệu là điệu văn, câu lên câu xuống, câu dài câu vắn, có hợp điệu thì văn mới xuôi nhời; pháp là phép văn, câu mở câu đóng, câu buông câu bắt, có biết phép thì văn mới dễ khiến. Thú là cái thú vị của văn-chương, trí là cái vẻ tự nhiên của văn-chương. Cảnh là cảnh tượng ở ngoài, làm cho văn-chương sinh tình; thái là màu vẻ ở trong làm cho văn-chương sinh đẹp. Hàm dưỡng là chứa nhiều kiến thức thì làm văn mới rộng; tố là công phu đặt để, có chịu đặt để thì văn mới hay. Pháp cổ là bắt chước đời xưa, có bắt chước mới hợp cách điệu; độc thư là xem sách, có xem sách mới làm được văn-chương.
Đổng-tư-Bạch cũng bàn về phép làm văn, chia làm 9 phép thiết yếu như sau này:
1º Tân (khách).— Trong một bộ Trang-tử, toàn là nhời ngụ-ngôn (nói bóng), không có một câu nào là phạm đến chính ý đầu bài. Vì chính ý chỉ nói vài nhời là hết, làm sao mà lát ra cho nhiều được. Cứ lấy thời văn mà luận thì câu thực giảng là chủ, câu hư giảng là khách. Trong hai vế thì một vế là khách, một vế là chủ; trong một vế thì một câu là khách, một câu là chủ, phải hư hư thực thực tham thác với nhau mới là thần diệu. Có khi nói quá chính ý một bước, hoặc lùi xuống dưới chính ý một bước, đều gọi là khách cả, song không nên dùng câu khách ở trong câu khách, nghĩa là trong bàng ý lại một bàng ý nữa. Phải nên trong chủ có khách, trong khách có chủ, mỗi một bước lại phải nhìn đến chính ý, mới hợp vào phép chữ « tân ».
2º Chuyển (xoay ý).— Cái tài tình của văn chương, cốt ở chỗ chuyển; chuyển thì không bao giờ cùng cực được, như là nhìn khúc núi Võ-di, cứ đến chỗ hết thì lại mọc