chước từ chữ từ câu thì khác gì người bắt chước cái nhăn mặt của nàng Tây-Tử, học cái bước chân của họ Hàm-đan[1] còn quí gì nữa.
24º Độc (xem sách).— Xem sách nên phải dùng công phu thiết-thực. Thánh hiền lập ngôn, chẳng qua giảng bàn nghĩa lý thì ở trong bụng ta vẫn đã có sẵn; chẳng qua bàn nói việc đời, mà việc thì mình ta vẫn đã từng trải. Ta đọc sách, nên đem bụng thánh hiền, coi như bụng của ta; nên đem việc đời xưa, coi như việc bây giờ. Đặt thân mình ở vào địa-vị người xưa, như thế mới là xem sách thiết vào đến mình. Mỗi ý mỗi câu, điều như việc của mình, so với người nhớ sách qua loa, mới hiểu nghĩa đã cho là giỏi, khác nhau xa lắm.
Đọc sách lại cần phải tỉnh ngộ. Trong giời đất vẫn có một lẽ nhất quán, có thể nhân lẽ này mà suy ra lẽ khác. Bụng ta phải rất tinh tế và rất hư không thì động đến đâu cũng hiểu được. Thường thấy người đọc sách, vội vàng xem qua rồi lại dở sang tờ khác, không chịu ngẫm nghĩ cái tinh thần trong sách, như thế thì kiến thức tài nào mà nẩy ra được. Đó là cái lỗi không tinh tế. Cái lỗi đó lại do ở cái bụng không được hư không. Nghĩa lý vô cùng, học đến già cũng vị tất đã hiểu hết. Kẻ tục-tử thường tự coi mình hơn người, cho nên không thành được người có học. Vả phép đọc sách, lúc trước phải có ý tựa như khổ sở; phi khổ sở thì không tài nào biết được; lúc sau phải có ý tựa như vui vẻ, phi vui vẻ thì không hội được lý thú. Đức Khổng-tử nói rằng: « Lúc chưa nghĩ được thì tức giận quên cả ăn, lúc nghĩ được rồi thì vui lòng mà quên cả lo », học như thế mới là học.
Xem trong 24 điều của ông Võ-thúc-Khanh bàn trên này thì phép làm văn tưởng cũng đã đủ. Nói rút lại thì chỉ là văn phải có thần mới linh động, phải có tình mới vui vẻ, phải có khí thì nhời mới cứng, phải có cốt thì văn mới già; chất để làm nền văn, phẩm để giữ giá văn, có
- ▲ Nàng Tây-Tử càng nhăn càng đẹp, người khác nhăn thì xấu, họ Hàm-đan tài nhẩy, người khác bắt chước thì ngã.