19º Cảnh.— Cảnh không có thể lấy hình tích mà kể ra được, nên phải lấy cái ý bóng mà đưa đẩy lấy cái nhời nhẹ nhàng mà điểm xuyết, tựa như có tựa như không, tựa như gần tựa như xa, thế mới là hay. Cái cảnh đó do ở chỗ mình trông thấy mà sinh ra và do ở ý của mình mà hội được. Nên phải có ý hứng hay, tư tưởng rộng như hai bài phú Xích-bích của ông Tô-đông-Pha, phi có tư-tưởng cao thì sao tả được quang cảnh đó.
20º Thái (vẻ).— Năm sắc lẫn lộn thành ra văn vẻ; sợi dọc sợi ngang gián tạp, thành ra điều lý, bởi đó mà gọi là văn-chương. Nếu vàng mà không có sắc đẹp thì khác gì đồng với sắt; ngọc mà không có chất quí thì khác gì đá sỏi.
21º Hàm dưỡng.— Văn-tự nông nổi quê mùa, điều vì uẩn tạ (chứa nhiều kiến thức) không được nhiều; uẩn tạ không được nhiều, lại vì hàm dưỡng (nghĩa lý ngấm nghía) chưa được đến nơi. Văn-chương có hàm dưỡng, thì khí cốt tự nhiên hồn hậu, vẻ điệu tự nhiên tươi sáng, nhời dẫu hết mà ý vị vẫn vô cùng, tiếng dẫu dứt mà dư âm vẫn không tuyệt.
22º Tố (làm).— Tố nghĩa là công phu làm văn. Có người viết bừa một lúc xong bài văn, không phải chữa đổi mà tự nhiên hay, đó là văn thần đáo, hay hơn cả. Còn thì phải ngẫm nghĩ tinh tế, như đại ý đã thảo phác ra rồi, lại phải xoát lại từ đầu đến cuối, kiểm điểm từng tý, chỗ nào hơi không chạy, từ sửa lại cho chạy; chỗ nào ý không tròn thì luyện lại cho tròn; chỗ nào mạch lạc không liên tiếp thì đúc lại cho cắn với nhau; chỗ nào âm điệu chưa hòa hiệp thì chuyển lại cho hợp với nhau. Cân đi nhắc lại từng tý, như vậy mới không sai lầm được.
23º Pháp cổ (bắt chước đời xưa).— Văn có bắt chước đời xưa rồi mới có cách có điệu. Song khi đọc văn cổ, chỉ mượn để dưỡng khí cho hồn hậu, lập cách cứng cỏi, luyện điệu cho cao kỳ, điểm sắc cho tươi đẹp, lột hình thay cốt không tự biết mình là theo lối cổ, như thế mới là khéo bắt chước. Nếu không cầu ở trong tinh thần mà chỉ bắt