14º Thế.— Văn-chương cao thấp hợp phép, mau chậm phải độ, khi kíp thì như gió giật mưa dào, khi khoan thì như mây bay nước chẩy, đó là cái thế làm văn.
15º Điệu.— Văn có khi cùng cách cùng nhời cùng ý, mà cao thấp khác nhau là vì điệu khác nhau vậy. Khí vận nên dãi dề mà đừng cấp bách, âm tiết nên hòa bình mà đừng gay gắt, điều lý nên phân minh mà đừng rối, mạch lạc nên liên tiếp mà đừng đứt, đó là điệu văn.
16º Pháp.— Văn có bốn phép là phép thiên, phép vế, phép câu, phép chữ. Song phép chữ lại ở trong phép vế, phép vế lại ở trong phép thiên, nói tóm lại thì chỉ là một mà thôi. Lại có 6 điều cốt tử: là thao túng (buông bắt), khai hạp (mở đóng), ức dương (đè xuống nhắc lên), khởi phục (khởi lên phục xuống), đón tỏa (dằn đè), thác tổng (ngang dọc sâm si). Nghìn biến muôn hóa, chẳng qua mấy phép đó. Phép nên nghiêm, song nghiêm quá thì sức bút phải quẩn, vậy phải khi nghiêm khi khoan giúp lẫn nhau, ấy mới là khéo dùng phép.
17º Thú.— Thú là cái mùi văn, văn mà không có thú thì xem văn tựa như ăn xáp, nghĩa là khô khan mà không có vị gì. Người xưa có nói rằng: « Nghe tiếng chuông mà nghe được tiếng phảng phất, chơi giăng mà nghĩ ra tứ man mác ». Câu ấy thực như vẽ cái thú vị của văn-chương. Cái thú văn-tự, chỉ ở trong khoảng thực thực hư hư. Văn-tự dẫu rằng thực tả, song đến chỗ tả ý bóng bảy thì có cái thú như là xem hoa trong gương, trông giăng dưới nước.
18º Trí.— Văn có tiêu-trí, (vẻ tự nhiên), cũng như người ta có dáng điệu. Nếu văn không có tiêu-trí thì nhời dẫu đẹp cũng không đủ xem. Cái tiêu-trí đó bởi ở trong tinh thần mà rực rỡ ra. Nên phải có cái vẻ tự nhiên, như là gió qua trên mặt nước, không có ý gì đến sóng, mà sóng tự nhiên nổi gợn lăn tăn. Kinh-Xuyên nói rằng: Văn-tự chẳng những chỗ có ý đặt để là cao, mà chỗ không có ý đặt để mà cũng là cao. Có ý đặt để thì là cái khéo ở trong sự cân nhắc; chớ không có ý đặt để mới là cái khéo thần hóa tự nhiên.