mừng, nhưng giá thử để cho người lớn mặc, thì chắc ai cũng xấu hổ mà quẳng đi ». Lời luận ấy có ý chê những văn cầu kỳ từng câu từng chữ, mà rút cục lại thì trong bài văn không có một chút tư tưởng nào.
Võ-thúc-Khanh bàn về phép làm văn, chia ra làm 24 điều cốt yếu như sau này:
1º Thần.— Thần ở trong văn-chương, tuy rằng không có hình mà thực tỏ ra có hình. Văn mà không có thần thì như lá cây khô héo, dẫu có cành cội mà sinh ý thì đã kiệt hết rồi. Bởi vì văn-chương là tinh thần của người phát hiện ra. Tinh thần có trong đục khác nhau thì văn-chương có hồn thuần, tạp nhạp khác nhau; tinh thần có yên lặng, nóng nẩy khác nhau thì văn-chương có thanh nhã, thô tục khác nhau. Cho nên người làm văn, trước hết phải yên định tinh thần, muốn yên định được tinh thần thì chẳng gì bằng thu cái phóng tâm (nghĩa là thu những mối lòng bông lông lại); mà thu phóng tâm bất tất phải cầu đâu, chỉ đem sách ra mà học hay là tập làm văn, tức là cách thu phóng tâm đó.
2º Tình.— Văn bởi tình mà sinh ra. Tình có khoái hoạt thì văn mới hay, tình mà uất ức thì văn cũng bức bối. Cho nên trước hết yên định tinh thần rồi kế đến phải bình tình. Bình tình nghĩa là giữ cái tình của mình theo mực trung bình, không nên tuyệt hết ngoại vật, tuyệt hết ngoại vật thì khô khan không còn thú vị gì; mà cũng không nên bợn lòng vào việc gì, bợn lòng thì trệ nệ mà không biến hóa được. Các mối mừng giận vui buồn, ai chẳng có lúc có, song việc qua đi rồi thì thôi, đừng nên chứa ở trong lòng mà sinh ra anh ách; lúc nào bực dọc khó chịu thì phải mượn việc gì để khuây khỏa đi, hoặc là trèo núi chơi sông, hoặc là ngắm giăng hóng gió, hoặc là dạo xem cỏ hoa cây cối hay là chơi trong nghề cầm kỳ thi họa, những người có bụng khoát đạt xem đó đủ hội được lý thú mà tự nhiên bình tình.
3º Khí.— Khí phát ra nhời nói, ví như nước làm trôi được vật. Nước to thì vật dù nhớn dù nhỏ đều phải trôi,