có vẻ trong trẻo, khi thì tròn, khi thì khuyết, khi thì ngặm nửa vành ở trong núi, khi thì luồn qua một đám mây bay, đó là các tình tứ của mặt trăng; có mặt trăng thì có ánh sáng rọi xuống, làm cho sông núi ra cảnh đẹp, cây cối có bóng về đêm, làm cho người ta sinh ra lòng vui vẻ hoặc nỗi buồn rầu, đó là cái tình tứ ở ngoài mà liên can đến mặt trăng. Nói đại khái như vậy, chứ càng nghĩ thì càng nhiều tứ; mà văn có nhiều tứ thì văn mới hay, văn mới dồi dào, không đến nỗi khô khan mà thành ra văn cùn.
3.— BỐ CỤC. — Bố cục là giàn giá cho có thứ tự. Xem trong một bài văn, nên mở ý gì, nên nghị luận gì, nên kết lại ý gì, ta nên gián định sẵn cho có lần có lượt, điều gì nên nói trước thì nói trước điều gì nên nói sau thì nói sau, thứ tự phân minh, đừng để xốn xáo lộn bậy. Văn có giàn giá sẵn thì dẫu nói nhiều thế nào cũng không trùng điệp, mà thành ra nói quẩn nói quanh.
4.— LẬP NGÔN.— Lập ngôn tức là cách đặt câu. Văn đã lập ý, cấu tứ, bố cục xong, tức là gần xong một bài văn. Còn đến lúc đặt câu thì chỉ nói thế nào cho rõ ràng gọn ghẽ, khúc triết phân minh nữa là được. Đặt câu không nên lôi thôi rườm rà quá, mà cũng không nên cầu kỳ, quí hồ nói cho người ta dễ hiểu là hơn. Mà nói thì nói cho thanh, không nên dùng những tiếng thô bỉ, mới là văn-chương thanh nhã.
Nghị luận lại cần phải có kiến thức cao xa, có tư tưởng rộng rãi thì văn mới hay, chớ nói những ý tứ nông nổi hẹp hòi thì là văn-chương tầm thường.
5.— DỤNG ĐIỂN.— Dụng điển là tìm những điển tích cũ, có điều gì việc gì liên can đến đầu bài thì dùng mà đặt câu tức là viện chứng mà tỏ ra sự thực. Vả nhà làm văn-chương, tất phải dùng điển tích thì đặt câu mới gọn gàng tròn trặn mà cai được nhiều nghĩa. Thí dụ như câu trong đầu chuyện Kiều.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.