— Nước non vẫn nước non nhà, cảnh còn như cũ người đà khác xưa, làm sao khỏi cảm-động bùi-ngùi cho được!
Bèn ngồi tựa vào bức lan-can trên cầu, ôm đàn gảy mấy bài Nam-cung, mấy điệu Thu-tứ. Một lúc nàng bỏ đàn đứng dậy nói rằng:
— Giải niềm u-uất, muốn mượn tiếng đàn; song điệu cao ý xa, đời làm gì có kẻ tri-âm hiểu cho mình được, chẳng bằng về cho sớm là hơn.
Trung Ngộ liền bước rảo đến trước mặt nàng, vái chào mà rằng:
— Chính tôi là người tri-âm mà nương-tử đã không biết đấy.
Người con gái giật mình nói:
— Vậy ra chàng cũng ở đây ư? Thiếp đã từng nhiều lần được chàng đoái tới, ơn ấy thật vẫn ghi lòng. Chỉ vì ở đường-sá vội-vàng, không tiện tỏ-bày chung-khúc. Giờ nhân đêm vắng, dạo bước nhàn du, không ngờ chàng lại đã đến trước ở đây. Nếu không phải duyên trời, sao lại có sự gặp-gỡ may-mắn như vậy. Song hạt châu hạt ngọc ở bên, thiếp chẳng khỏi tự xét thấy mình nhơ-bẩn, thực lấy làm e-thẹn vô cùng.
Chàng hỏi họ tên và nhà cửa. Nàng chau mày nói:
— Thiếp họ Nhị tên Khanh, là cháu gái của ông cụ Hối, một nhà danh-giá trong làng. Hai thân mất sớm, cảnh nhà đơn-hàn. Mới đây bị người chồng ruồng bỏ, thiếp phải dời ra ở bên ngoài lũy làng. Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm-bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan-lạc ái-ân, cũng không thể được nữa.
Hai người bèn đưa nhau xuống thuyền. Người con gái sẽ bảo chàng rằng:
— Thân tàn một mảnh, cách với chết cũng