Trang:Truyen ky man luc NVT.pdf/14

Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
18
TRUYỀN KỲ MẠN LỤC

Phương chi Chung Ly mạnh-mẽ, chẳng kém Hoài-âm, Á-phụ khôn-ngoan, thực hơn Nhụ-tử. Nếu ta nghe lời không cố-chấp, nhân thua mà tính toán, thì ruổi ô-truy bốn vó mỏi chồn, há không đủ cày lật cung-đình Phong-bái, thu Bành-thành những quân tản-mác, há không đủ đào tung-miếu xã Viêm-lưu. Nhưng chỉ vì thương lũ sinh-linh, nên mới đem tấm thân tám thước đường đường, ném vào tay lũ Vương Ế[1]. Vậy sự hưng-vong của Hán, Sở, chỉ là do ở sự may rủi của trời mà thôi, há nên lấy thành bại mà so bì ư? Nhưng đời những kẻ thích phẩm-bình nhân-vật, có kẻ bảo không phải trời làm mất, có kẻ bảo trời có dính-dáng gì. Thi-nhân mặc-khách thường đem chuyện ta diễn vào trong thơ. Có câu thì:

Cái thế anh-hùng sức nhổ núi,
Sở ca bốn mặt lệ tràn lan.

Có câu thì:

Vua chẳng ra vua, tôi chẳng tôi,
Bên sông lập miếu cũng hoài thôi.

Ngày chồng tháng chất, có đến hàng nghìn bài chứ không phải ít. Nhưng chỉ có hai câu của Đỗ Mục:

Giang-đông tử-đệ nhiều tay giỏi,
Cuốn đất quay về chửa biết đâu.

Lời thơ ủy-khúc trung-hậu, hợp cách-luật của nhà thơ, đọc lên ta còn vừa lòng đôi chút. Ngoài ra thì hầu toàn những lời phụ bạc, ta vẫn lấy làm bất-bình lắm, nay tiện dịp ta nói để cho ông rõ.

Ông Hồ cười mà rằng:

— Lẽ trời việc người, cũng là đầu cuối lẫn cho nhau. Bảo mệnh ở trời, Thương Trụ vì thế mà mất nước; bảo trời sinh đức, Tân Mãng vì thế mà bỏ mình. Nay nhà vua bỏ việc người mà đi


  1. Hạng-Vũ tự vẫn để cho Vương-Ế cắt đầu nộp Hán-vương lấy công