Giáng-Hương khóc mà nói:
— Thiếp chẳng dám vì tình phu phụ mà ngăn cản mối lòng quê-hương của chàng. Song cõi trần nhỏ hẹp, kiếp trần ngắn-ngủn, dù nay chàng về nhưng chỉ e liễu sân hoa vườn, không còn đâu cảnh tượng như ngày trước nữa.
Nàng nhân thưa với phu-nhân, phu-nhân nói:
— Không ngờ chàng lại thắc-mắc vì mối lòng trần như vậy.
Nhân cho một cỗ xe cẩm-vân để chàng cưỡi về. Nàng cũng đưa cho chàng một bức thư viết vào lụa mà nói:
— Ngày khác trông thấy vật này, xin đừng quên mối tình cũ-kỹ.
Nhân tràn nước mắt mà chia biệt.
Chàng đi chỉ thoắt chốc đã về đến nhà, thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân dân, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những cảnh núi khe là vẫn không thay đổi sắc biếc màu xanh thủa nọ. Bèn đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả thì thấy có người nói:
- Thủa bé tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất, đến nay đã hơn 60 năm, nay đã là năm thứ 5 (1458) niên-hiệu Diên-ninh là đời ông vua thứ ba của triều Lê rồi.
Chàng bấy giờ mới hậm-hực bùi-ngùi; muốn lại lên xe mây để đi, nhưng xe đã hóa làm một con chim loan mà bay đi mất. Mở thư ra đọc, thấy có câu: « Kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết, tìm non tiên ở trên bể, dịp khác còn đâu! » mới biết là Giáng-Hương đã nói trước với mình những lời ly-biệt. Chàng bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành-sơn, rồi sau không biết đi đâu mất.