Trang:Ton Ngo Binh Phap - Ngo Van Trien.pdf/50

Trang này đã được phê chuẩn.
56
TÔN NGÔ

người nhân gió phóng lửa, đợi khi họ làm lại ta lại, đốt nữa. Vua Tùy làm theo kế ấy họ Trần mới khốn đốn.

Đỗ Mục rằng: nhân cái thế có thể tràn lấn bên địch, không bỏ lỡ dịp, sẽ dễ dàng như bẻ cành khô.


Tất phải lấy sự toàn thắng để tranh thiên hạ cho nên không nhụt binh mà được toàn lợi, ấy là cái phép mưu công đó.

Lý Thuyên rằng: lấy cái kế toàn thắng để tranh thiên hạ, cho nên không phải cùn nhụt mà thu được lợi ích.

Trương Dự rằng: không chiến thì quân không hại, không công thì sức không hao, không lâu thì của không tốn, lấy hoàn toàn mà tranh thắng với thiên hạ, cho nên không có cái hại gươm cùn giáo nhụt mà có cái lợi binh mạnh nước giầu, ấy là thuật tính sự công kích của viên lương tướng đó.


Cho nên cái phép dùng binh, gấp mười thì vây.

Tào-Công rằng: lấy mười địch một thì vây, đó là nói nếu tướng trí-dũng bằng nhau và binh sắc nhụt đều nhau. Nhưng nếu chủ yếu mà khách mạnh thì không cần phải dùng đến mười. Tháo này đã chỉ dùng số quân gấp đôi vây thành Hạ-bì mà bắt sống được Lã Bố đó.

Đỗ-Mục rằng: vây là bốn mặt bao bọc, khiến quân địch không thể trốn được. Phàm vây chung quanh tất phải cách thành địch khá xa, chiếm đất đã rộng, canh giữ phải nghiêm, nếu không nhiều binh thì sẽ có chỗ trống hở, cho nên số binh phải cần có gấp mười.

Trương-Dự rằng: quân ta có gấp mười quân địch thì bốn mặt vây bọc mà lấy, đó là nói tướng trí-dũng