Đỗ Mục rằng: viên đại tướng cứng cỏi, nóng nẩy thì nên trêu cho mà tức, khiến cho lòng sôi, chí loạn, không đoái nghĩ gì đến mưu kế đã định.
Mai Nghiêu Thần rằng: kẻ kia hẹp hòi nóng nẩy dễ giận, ta trêu để cho tức tối mà khinh chiến.
Lún cho họ kiêu.
Đỗ Hựu rằng: kẻ kia dấy quân cả nước, tức giận muốn tiến, ta nên tỏ ra bề ngoài thấp lún để cho họ hợm hĩnh, đợi khi họ trễ nải quay về, bấy giờ mới đón mà đánh.
Lý Thuyên rằng: Lễ nhiều mà nói ngọt, chí của kẻ ấy không nhỏ. Thạch Lặc nước Hậu Triệu xưng bầy tôi với Vương-Tuấn, tả hữu muốn đánh, Tuấn nói: Thạch-công đến đây cốt để phụng thờ ta, kẻ nào dám nói đánh sẽ chém. Bèn đặt đại tiệc để thiết đãi. Lặc bèn đem trâu dê mấy vạn con đến, nói là đem đến dâng lễ, kỳ thực là để ngăn lấp các đường ngõ, khiến quân Tuấn không kéo ra được, rồi y vào thành Kế, bắt Tuấn ở trong chỗ công-sảnh chém đi, kiêm tính cả nước Yên. Lún để cho bên kia sinh kiêu tức là nghĩa ấy.
Họ thân cận thì làm cho lìa
Lý-Thuyên rằng: phá vỡ thề ước, làm lìa vua tôi, rồi sau mới đem quân đánh. Ngày xưa nước Tần đánh nước Triệu, tướng Tần là Ứng-Hầu nói phản-gián với Triệu-vương rằng: tôi chỉ sợ Triệu-Quát mà thôi, chứ Liêm-Pha thì dễ dàng lắm. Triệu-vương tưởng thực, bèn dùng Quát thay Pha, nhân thế bị Tần đánh thua, chôn sống quân Triệu đến bốn mươi vạn ở Trường-bình, tức là nghĩa ấy.
Đỗ-Mục rằng: nói bên địch nếu trên dưới yêu