Ngô-Tử nói: Phàm cái đạo hành quân, không quá mực tiến nghỉ, không lỡ bữa ăn uống, không tuyệt sức người ngựa. Giữ ba điều ấy để mà nhiệm dụng cái lệnh trên. Nhiệm dụng được lệnh trên thì sự trị bởi đó mà sinh ra vậy. Nếu tiến nghỉ không vừa chừng, uống ăn không đúng bữa, ngựa mỏi người mệt mà không được nghỉ ngơi, thì lệnh trên không thể đem mà dùng được. Lệnh trên đã bỏ thì ở thường phải loạn, đánh nhau phải bại.
Ngô-Tử-nói: Phàm chỗ binh trường chiến địa, tất chết thì lại sống, may sống thì lại chết, người khéo làm tướng, phải như ngồi trong chiếc thuyền thủng, như phục dưới mái nhà cháy, khiến cho người khôn không kịp mưu, người mạnh không kịp giận, cứ việc mà thụ địch. Cho nên nói rằng: Hại của dùng binh, lớn nhất là do dự, vạ của ba quân, sinh ra bởi hồ nghi.
Ngô-Tử nói: Người ta thường chết vì không hay, thua vì không giỏi. Cho nên cái phép dùng binh, dạy răn làm trước. Một người học chiến, dạy thành mười người, mười người học chiến, dạy thành trăm người, trăm người học chiến, dạy thành nghìn người, nghìn người học chiến, dạy thành vạn người, vạn người học chiến, dạy thành ba quân, lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi nhọc, lấy no đợi đói, tròn mà chợt vuông, ngồi mà chợt dậy, đi mà chợt đứng, tả mà chợt hữu, trước mà chợt sau, chia mà chợt hợp, buộc mà chợt cởi, mỗi một cách biến đều tập, rồi trao cho đề binh đó gọi là việc của người làm tướng.
Ngô-tử nói: Cách dạy việc chiến trận, người thấp cầm giáo mác, người cao cầm cung nỏ, người khỏe cầm cờ phướn, người bạo cầm trống chiêng, người