Hai rằng đốt lương.
Đỗ Mục rằng: Lương là thóc gạo rơm cỏ. Cao-tổ giữ nhau với Hạng Vũ ở Thành-cao, bị Vũ đánh thua, qua sông sang bắc, được quân của Trương-Nhĩ, Hàn Tín bèn đóng lại ở Tu-Vũ, sâu hào cao lũy; sai Lưu Giả đem hai vạn người, mấy trăm quân kỵ, qua bến Bạch-mã vào đất Sở đốt những lương thực xúc tích, làm cho quân Sở phải thiếu ăn. Đời Tùy Văn-Đế, Cao-Cảnh dâng kế lấy nước Trần, nói Giang-nam đất xấu nhà đều gianh tre, sự xúc tích đều không để hầm dưới đất nên mật sai người nhân gió phóng lửa, đợi họ làm lại ta lại đốt nữa, như thế mấy năm tự nhiên của nả sức lực họ phải hết cả. Vua Tùy nghe theo kế ấy do đó mà người Trần ngày càng suy sút.
Ba rằng đốt xe, bốn rằng đốt kho.
Đỗ Hựu rằng: Đốt xe tri trọng và khiến người vào trại giặc đốt kho nhà binh.
Đỗ Mục rằng: Khí giới của cải, cùng những quần áo của quân sĩ, còn chất ở trên xe chở đi là xe tri trọng, những thứ ấy đã chứa vào một chỗ ở trong dinh trại thì gọi là kho; trên xe tri trọng và trong kho đều đựng chung những thứ ấy cả. Cuối đời Hậu Hán, tướng của Viên-Thiệu là Hứa Du hàng Tào Công, nói với Công rằng: Nay xe tri trọng của Viên-Thiệu đồn đóng không nghiêm, nếu ta đem khinh binh đánh úp thình lình ập đến, đốt cháy hết những đồ dành chứa chẳng qua ba ngày thì họ Viên phải bại. Công cả mừng, tuyển 5 nghìn quân khinh kỵ, đều dùng hiệu cờ của họ Viên, người ngậm tăm, ngựa buộc miệng kéo đi theo con đường hẻm, mỗi người tay ôm một bó đóm.