Trang:Ton Ngo Binh Phap - Ngo Van Trien.pdf/19

Trang này đã được phê chuẩn.
24
TÔN NGÔ

đấy. Ấy Tôn Tử xếp đặt cái thứ tự trên này là ý thế đó.

Trương Dự rằng: Tiết chế nghiêm minh. Này tướng cùng pháp ở cuối năm điều, cớ vì phàm cất quân đi đánh kẻ có tội, trên chỗ miếu đường, trước phải xét ân tín hậu hay bạc, sau phải tính thiên thời thuận hay nghịch, thứ rồi xem địa hình hiểm hay dễ, ba điều ấy đã đủ rồi, sau mới sai tướng đi đánh, binh đã ra khỏi cõi thì pháp lệnh phải theo cả ở viên tướng, ấy cái thứ tự như vậy đó.


Đạo là khiến dân đồng ý với người trên.

Trương Dự rằng: lấy ân tín đạo nghĩa mà phủ trị quần chúng thì ba quân một lòng, vui vẻ theo sai dùng của người trên. Kinh Dịch nói: làm vui lòng người để xông vào sự khó, dân quên cả chết.


Cho nên có thể cùng họ chết, có thể cùng họ sống, mà dân không sợ nguy.

Tào Công rằng: tức bảo là lấy giáo lệnh mà dẫn đạo mọi người. Nguy nghĩa là nguy nghi.

Đỗ-Hựu rằng: tức bảo là lấy chính lệnh mà đưa dắt, lấy lễ giáo mà so tầy. Nguy tức là nghi, trên có điều nhân ban ra, dưới sẽ liều mạng mà không tiếc, cho nên có thể cùng ở với nhau trong lúc mất còn mà không sợ sự khuynh nguy, cũng như thành Tấn-dương bị vây, bếp chìm mà còn có cóc[1], người ta không ai có lòng phản bạn ngờ vực gì cả.


  1. Sách Quốc-ngữ chép: Tương-tử chạy đến Tấn-dương, quân Tấn vây mà tháo nước vào thành, tuy bếp chìm mà còn có cóc,dân không có ý làm phản.