cũng có mặt trời hoặc mặt trăng soi trốc đầu. — 3. Người ta lấy bồ-nhìn để ngoài ruộng cho chim muông nó sợ không dám đến phá hoa mầu (huê lợi).
CÂU HỎI — I. Ý tưởng. — 1. Bài thơ này về thể gì? Có ngụ ý gì?
2. Hai câu đề nói ý gì? — Hai câu thực tả có rõ người bồ-nhìn không? — Nói rõ hai câu luận kể công trạng và khí phách người bồ-nhìn. — Hai câu kết nói ý gì?
3. Nói rõ bài này tuy đầu đề tầm thường mà tả ra khí-tượng một ông vua.
II Lời văn — 1. Quyền trọng ra uy: nghĩa gì? Vốn lòng vì nước há vì dưa: sao vậy? Thế nào gọi là: giống muông? Hạt móc mưa nói bóng là gì?
2. Bài thơ này có giọng gì? Thuộc về lối thơ nào? Kể qua phép tắc lối thơ ấy.
NGUYỄN-BỈNH-KHIÊM 阮 秉 謙 (1492-1587)
Ông hiệu là Bạch-Vân cư-sĩ 白 雲 居 士 tục gọi là Trạng-Trình, người làng Trung-Am, huyện Vĩnh-Lại, tỉnh Hải-Dương, sinh năm Tân-hợi đời Hồng-đức vua Lê Thánh-tôn (1492). Tuổi còn trẻ mà học đã nổi tiếng, song vì bấy giờ đang rối loạn, ông không muốn ra đời, đi ẩn một chỗ. Sau nhà Mạc đã cầm quyền, trong nưóc yên ổn, anh em nhiều người khuyên dục, ông mới đi thi, đậu Trạng-nguyên năm Đại-chính thứ sáu đời Mạc-đăng-Doanh (1536); lúc bấy giờ ông đã 44 tuổi.
Vua Mạc cất ông làm Đông-các-đại-học-sĩ, làm quan được 8 năm dâng sớ hạch tất cả 18 người lộng thần.
Sau ông về trí-sĩ, làm nhà chơi mát ở làng, gọi là am Bạch-Vân để ở, rồi chỉ đi chơi những chỗ núi non sông biển để thưởng ngoạn phong-cảnh, ngâm vịnh thơ văn.
Ông tuy ở nhà, nhưng vua Mạc vẫn tôn trọng lắm, có công việc to vẫn hỏi đến. Sau phong làm Trình-quốc-công. Ngày 28 tháng một năm Ất-dậu (1587) ông mất, thọ 95 tuổi.
Các thơ văn vừa bằng chữ nho vừa bằng quốc-âm ông làm ra rất nhiều: đến nay còn truyền lại một tập thơ nôm là Bạch-Vân thi-tập[1]
- ▲ Tập này đã đăng trong Nam-phong tạp-chí.