Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn-nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm-láp, tất-tả chạy xông vào, thở không ra lời:
— Bẩm....... quan-lớn,..... Đê vỡ rồi!
Quan lớn đỏ mặt, tía tai, quay ra, quát rằng:
— Đê vỡ rồi!..... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?...... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng-xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
— Dạ, bẩm......
— Đuổi cổ nó ra!
Ngài quay vào, hỏi thầy đề:
— Thầy bốc quân gì thế?
— Dạ, bẩm con chưa bốc.
— Thì bốc đi chứ!
Thầy đề, tay run cầm-cập, thò vào đĩa nọc, rút một con bài lật ngửa, xướng rằng:
— Chi-chi!
Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:
Đây rồi!..... Thế chứ lại!
Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười vừa nói:
— Ù! Thông tôm, chi-chi nẩy!..... Điếu mày!.....
· | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · | · |
Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh-láng, soáy thành vực sâu, nhà cửa chôi băng, lúa má ngập hết: kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh-đênh mặt nước, chiếc bóng bơ-vơ, tình-cảnh thảm sầu, kể sao cho siết!
CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — 1. Thế nào gọi là tả-chân tiểu-thuyết? Bài này cốt tả tình-cảnh gì? — Cách kết-cấu bài này thế nào?
2. Trong bài này tác-giả đem hai cảnh gì đối với nhau? Hai cảnh ấy trái ngược nhau thế nào?
3. Đọc xong bài này cảm-giác cùng tư-tưởng anh thế nào?