cái hay mà ra. Kìa như những cảnh-tượng của tạo-hóa, ảo ảo huyền huyền, 8 kỳ kỳ quái quái, nghìn hình muôn trạng, biến hóa vô cùng, ai trông cho hết, ai biết cho đủ, nhờ có văn-chương mà biết được hầu không sót điều gì. Kìa như nhân-tình thế-thái, nào thiện, nào ác, nào nịnh, nào trung, nào những dạ ngoắt-ngoéo khắt khe, nào những thói thâm-trầm nham-hiểm, ai nói cho xuể, ai kể cho xiết, nhờ có văn-chương mà vẽ ra không thiếu một nét nào. Ngồi trong xó nhà, ma lịch-lãm được hết các nơi danh-thắng ở thiên-hạ; xem trên mảnh giấy, mà tinh tường được hết các việc hay dở của thế-gian; sinh ở dưới mấy nghìn năm, mà tựa hồ như được đối diện và được nghe tiếng bàn bạc của người sinh trước mấy nghìn năm, cũng đều nhờ có văn-chương cả.
Huống hồ ta nghe những câu cảnh-tỉnh 9, làm cho ta sực tỉnh được giấc mơ màng; ta nghe những lời cảm-thiết, làm cho ta kích động đến lòng khảng khái; ta nghe những lời đạo nghĩa, làm cho ta hứng khởi cái mối thiện tâm; ta nghe những chuyện khoáng-đạt, làm cho ta phát sinh ra chí cao-thượng; ta nghe những nỗi chua cay của người đời, làm cho ta phải ứa nước mắt khóc, ta thấy những thói lạ lùng của nhân-thế làm cho ta phải bật tiếng buồn cười; đó là những cái lý-thú của văn-chương cả...
Tuy vậy, cái thú văn-chương không phải dễ mà ai ai cũng hiểu được; duy người nào lĩnh-hội được thì mới được hưởng. Người không biết lĩnh-hội dù hay đến đâu cũng không biết là hay, dù thú đến đâu cũng không biết là thú; mà thường những câu của người ấy cho là hay là thú, thì lại là những câu không thú vị gì. Còn như người lĩnh-hội được thì bất cứ câu văn tinh-diệu hay câu tầm-thường, câu văn cao-kỳ hay câu thiển-cận, lắm khi tự-nhiên nhân câu văn mà hội được cái thú riêng; có khi lại hội được ở ngoài câu văn nữa.