Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

57
NHO-GIÁO


cho âm dương và ngũ hành là cái khí nhất-định, cho nên mới thành ra nhiều sự sai lầm.

Lúc âm dương đã phân định, thì cái khí khinh thanh lên làm trời, cái khí trọng trọc xuống làm đất, ở giữa khoảng trời đất, âm dương điều-hòa với nhau mà sinh ra muôn vật, vật nào bẩm-thụ được nhiều thanh khí thì làm thần, làm thánh, vật nào bẩm-thụ được ít thì làm người thường, hay là các loài khác.

Thiên nhân tương dữ. — Tự đời thượng-cổ, người Tàu đã có cái tư-tưởng cho người ta sinh ra ai cũng bẩm-thụ cái tính của Trời. Cái tính ấy tức là một phần thiên-lý. Vậy Trời với người quan-hệ nhau rất mật-thiết lắm. Bởi thế mới lấy pháp-tắc tự-nhiên của Trời làm cái mô-phạm của người và cho thiên-luân là nhân-luân, thiên-đạo là nhân-đạo. Kinh Thi nói rằng: « Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc, dân chi bỉnh di, hiếu thị ý đức 天 生 蒸 民,有 物 有 則,民 之 秉 彞,好 是 懿 德: Trời sinh ra dân, có hình phép, dân giữ tính thường, muốn có đức tốt. » Trời sinh ra người, cho người có lòng muốn đức tốt, thì người phải lấy Trời làm gốc, phải kính Trời, sợ Trời, và phải theo cái bản-tính của Trời đã phú cho, mà ăn-ở cho hợp với đạo trời.