Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

277
NHO-GIÁO


túy của thánh hiền mất mòn đi, để đến nỗi người ta thì tiến lên mãi, mà mình thì đứng dừng lại, lâu ngày thành ra chỉ giữ được cái vỏ hẩm nát, còn cái tinh-thần linh-hoạt thì đi đâu mất cả. Như thế há chẳng phải là cái tội rất lớn của những học-giả xưa nay hay sao?

Tuy thế mặc lòng, Khổng-giáo vẫn có cái công rất lớn với xã-hội ta, là đã gây thành một cái văn-hóa rất có giá-trị. Nhất là về đường tinh-thần, cái học thuyết của Khổng-tử làm cho người mình có cái tính tình đặc-biệt, ưa sự hòa-bình và trọng hiếu nghĩa trung tín. Cái văn-hóa ấy tuy về đường vật-chất không được rực-rỡ lắm, nhưng có thể làm cho cuộc sinh-hoạt của người ta có cái thú-vị khác thường. Dẫu đến ngày nay là thời-đại người ta đang say mê về cuộc tranh hơn tranh kém, đang xô đẩy nhau ở chỗ danh lợi, nhiều người còn mong-mỏi sự bỏ cũ theo mới, thế mà ai là người biết nghĩ, ngắm thấy lòng người đơn bạc, cảnh đòi khổ não, ngẫm-nghĩ lại tiếc cái đạo của Khổng-tử không thi-hành khắp được mọi nơi. Cái tiếc ấy vị tất đã có hiệu-quả gì, vì phong-trào đã biến-đổi, người đời đang đắm-đuối ở chỗ vật-chất, khó lòng mà hồi tỉnh lại được, nhưng có người tiếc như thế, cũng đủ tỏ ra là cái đạo của thánh hiền có phần rất hay rất đẹp vậy.