Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

28
NHO-GIÁO


thức thì lỏng-lẻo, rời-rạc, nhưng về phần tinh-thần thì suốt từ đầu đến cuối chỉ là một mà thôi.

Nho-giáo cho vũ-trụ sở-dĩ có, là vì có cái lý độc-nhất tuyệt-đối. Lấy nghĩa cùng tột hết cả, thì gọi lý ấy là Thái-cực; lấy nghĩa bao-quát khắp cả thế-gian, thì gọi là Thiên; lấy nghĩa làm chủ-tể cả vạn vật thì gọi là Đế, hay là Thiên-đế. Song lý ấy siêu-việt vô cùng, không sao biết rõ được cái tĩnh-thể là thế nào, cho nên Nho-giáo công-nhận có lý ấy, rồi chỉ xét cái động-thể của lý ấy đã phát-hiện ra, để làm tôn-chỉ. Cái tôn-chỉ ấy chủ ở đạo nhân, có sẵn cái trực-giác để hiểu lẽ biến-hóa của trời đất, khiến cho lúc nào cũng theo được lẽ ấy mà vẫn đắc kỳ trung. Ấy đại-khái cái tôn-chỉ của Nho-giáo là thế. Nay nhân tiện ta xét qua cái triết-học đã phát hiện ra ở bên Tây, xem hai bên giống nhau và khác nhau thế nào.

Vào cuối thế-kỷ thứ VI và đầu thế-kỷ thứ V trước Tây-lịch kỷ-nguyên, trong khi ở nước Tàu có Khổng-tử phát-huy ra cái học-thuyết của Nho-giáo, thì ở bên Âu-tây có những nhà hiền-triết, người xứ Hy-lạp như bọn ông Héraclite thuộc phái Ioniens cũng đề xướng lên cái học-thuyết, lấy sự biến-hóa trong vũ-trụ làm chủ-nghĩa, cho vạn vật chỉ có động, chứ không có tĩnh, và cho ngoài sự biến-hóa của vạn vật ra, thì không có gì là thực cả.