Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

166
NHO-GIÁO


quần với mọi người mà không bè đảng. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Quân-tử tự mình nghiêm-nghị theo cái lý công-nhiên mà đối với người, chứ không thiên-tư, cho nên không tranh dành với ai. Xử với người thì thân-ái cả mọi người, không vị tình riêng mà a-tùng theo đảng, theo bọn, để cầu lợi riêng.

« Quân-tử vô sở tranh, tất giã xạ hồ! Ấp nhượng nhi thăng, hạ nhi ẩm, kỳ tranh giã quân-tử 君 子 無 所 爭,必 也 射 乎!揖 讓 而 升,下 而 飲,其 爭 也 君 子: Quân-tử không tranh gì cả, mà có tranh nữa, thì ắt là như việc bắn thi chăng! Vái nhường rồi mới lên thềm, xuống thềm mời nhau uống rượu, sự tranh ấy là sự tranh quân-tử. » (Luận-ngữ: Bát-dật, III). Người quân-tử có vì đạo-lý mà tranh luận điều gì, thì cũng theo cái nghĩa lễ-nhượng cung-kính để không mất đạo trung. Tranh luận mà vẫn ung-dung khiêm-tốn như lệ tập bắn đời xưa, nghĩa là tranh nhau, nhưng vẫn giữ cách tranh nhau của người quân-tử, chứ không như cách tranh nhau của kẻ tiểu-nhân, lấy tư tình khách khí mà đối với người.

« Quân-tử dục nột ư ngôn, nhi mẫn ư hành 君 子 欲 訥 於 言,而 敏 於 行: Quân-tử muốn nói thì chậm mà làm thì nhanh. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Nói thì dễ, mà hay