Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

158
NHO-GIÁO


là người có chí khí hèn-hạ. Vậy người quân-tử theo nghĩa rộng, thì dẫu bần cùng khổ sở cũng là quân-tử, mà người tiểu-nhân tuy có quyền tước sang trọng, cũng vẫn là tiểu-nhân. Người đi học cũng vậy, có người nho quân-tử, có người nho tiểu-nhân. Khổng-tử bảo thầy Tử-Hạ rằng: « Nhữ vi quân-tử nho, vô vi tiểu-nhân nho 女 爲 君 子 儒,無 爲 小 人 儒: Ngươi làm nho quân-tử, không làm nho tiểu-nhân. » (Luận-ngữ: Ung-giã, VI). Nho quân-tử là người học đạo thánh-hiền, để sửa mình cho thành người có phẩm-giá tôn-quí, dẫu bần cùng cũng không làm điều trái đạo. Nho tiểu-nhân là người mượn tiếng học đạo thánh-hiền để cầu danh, cầu lợi, miệng nói những điều đạo-đức, mà bụng nghĩ làm những việc bất-nhân bất-nghĩa.

Khổng-tử phân biệt thế nào là quân-tử, thế nào là tiểu-nhân, Ngài nói rằng:

« Quân-tử thượng đạt, tiểu-nhân hạ đạt 君 子 上 達,小 人 下 達: Quân-tử đạt về cái lý cao minh, tiểu-nhân đạt về cái lý đê hạ. » (Luận-ngữ: Hiến-vấn, XIV). Quân-tử bao giờ cũng theo thiên-lý, cho nên tâm tính thanh-minh, nghĩa lý sáng rõ, biết điều gì là càng ngày càng tinh-thâm, làm việc gì là càng ngày càng thuần-thục, bởi vậy mới tiến lên chỗ cao minh. Tiểu-nhân bao giờ cũng theo nhân-dục, cho nên cái chí khí mờ tối, cứ bị