Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

142
NHO-GIÁO


phải theo, điều dở là phải bỏ, không lấy cái trí hẹp-hòi mà câu-chấp một mặt nào hay một thuyết nào. Bất cứ điều gì, hễ nó hợp thời thuận lý là được, như thế thật là một đạo chiết-trung, khiến cho lúc nào cũng giữ được cái lẽ điều-hòa tự-nhiên mà lập thành cái nhân-sinh triết-lý rất uyên-bác.

Đạo của Khổng-tử tuy nhận có quỉ thần và có biện biệt sự sống chết, nhưng không lấy việc quỉ thần mà đặt ra những điều mê-tín, không lấy sự sống chết mà huyễn-hoặc lòng người. Ngài chỉ cốt lấy nhân nghĩa lễ trí hiếu đễ trung tín làm đạo thường. Ngài cho những điều ấy là do cái minh-đức của thiên-lý mà phát hiện ra, vậy nên phải theo thiên-lý mà làm cho sáng cái minh-đức ấy, để khiến người ta càng ngày càng hay hơn, đến chí-thiện mới thôi. Đó là nghĩa câu ở đầu sách Đại-học: « Đại học chi đạo, tại minh minh-đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí-thiện 大 學 之 道,在 明 明 德,在 親 民,在 止 於 至 善. » Ba cái cương-lĩnh: minh minh-đức, thân dân, chỉ ư chí-thiện, là cái quan-kiện của sự học trong Khổng-giáo.

Đạo của Khổng-tử lấy hai chữ chí-thiện làm cực điểm. Chí-thiện tức là nhân. Từ đầu chí cuối chỉ có một mối, chủ lấy theo thiên-lý làm gốc, dùng hiếu đễ, lễ nhạc, mà khiến người ta tiến lên đến bậc nhân. Trước sau