Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

134
NHO-GIÁO


chân-thực và lại khinh nhờn, thì còn có kị-đạn gì nữa. Bởi thế Khổng-tử nói rằng: « Tu kỷ dĩ kính 修 己 以 敬: Lấy kính mà sửa mình. » (Luận-ngữ: Hiến-vấn, XIV). Người ta ở đời có phải ngẫu-nhiên mà sinh ra, rồi ngẫu-nhiên lại hóa đi mất đâu. Nếu như vậy, thì suốt cả vũ-trụ cũng chẳng có nghĩa lý gì. Vì chưng có Trời, và Trời lại làm chủ-tể cả muôn vật, nên ta phải thờ Trời và theo đạo Trời mà ăn-ở, để làm cho sáng cái minh-đức của Trời đã phú-dữ cho ta. Người nào đã thành-thực mà giữ lòng kính-cẩn, thì không bao giờ làm điều bất-nhân phi-nghĩa, tất là có thể sửa mình đến chí-thiện được.

Đã có Trời lại có quỉ-thần để chứng-giám cho vạn vật. Vậy đã thờ Trời tất phải thờ quỉ-thần. Nhưng thờ quỉ-thần chỉ cốt có lòng thành, thì quỉ-thần mới chứng-giám cho, vì có thành mới cảm đến quỉ-thần được. Nếu không, thì dẫu có bày đặt ra đủ các thứ lễ nghi đồ vật, nhưng cũng như không mà thôi. Quỉ-thần đã chứng-giám cái lòng thành cho mình, thì mình cứ an lòng mà làm điều lành điều phải. Không nên đem tư-tâm mà dùng sự lễ-bái để cầu tài cầu lợi. Đó là điều mê-hoặc không phải là đạo công-chính của quỉ-thần.

Kínhthành 誠 là cái gốc luân-lý của Nho-giáo. Có kính thì mới giữ được cái bản