Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

132
NHO-GIÁO


Việc quỉ-thần là việc cao-xa, u-ẩn, ta không có thể biết cho rõ được, ta chỉ nên lấy lòng thành-kính mà đối với quỉ-thần là đủ. Làm người ở đời, ta cứ biết chăm lo làm việc nghĩa của người, chứ biết thế nào được việc quỉ-thần, mà nói những điều huyễn-hoặc để gây thành những mối mê-tín, hại cho việc nhân nghĩa. Vậy nên Khổng-tử nói rằng: « Vụ dân chi nghĩa, kính quỉ-thần nhi viễn chi 務 民 之 義,敬 鬼 神 而 遠 之: Vụ lấy làm việc nghĩa của người, còn quỉ-thần thì kính mà xa ra. » (Luận-ngữ: Ung giã, VI).

Kính và thành. — Khổng-tử tin có Trời và có quỉ-thần, chứ không phải như ý-kiến những người hiểu không rõ cái học-thuyết của Ngài, nói phỏng chừng rằng: đạo của Ngài là đạo vô-thần. Đó là điều sai lầm rất quan-hệ về đường khảo-cứu. Nhưng phải biết rằng Khổng-tử cho Trời là cái Lý linh-diệu chí-công chí-chính, mà quỉ-thần là cái linh-khí của trời đất, rất thông-minh chính-trực, tất là Trời và quỉ-thần không có thiên-tư điều gì vậy. Người và vạn vật sinh ra trong thế-gian, cùng bẩm-thụ một ly một khi của Trời cả, duy chỉ có thanh trọc khác nhau mà thôi. Đã đồng lý đồng khí, thì tất có chỗ cảm-ứng được. Vậy nên đối với Trời và quỉ-thần, người ta phải lấy lòng kính-cẩn và thành-thực mà