Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

129
NHO-GIÁO


Người ta ở đời lưu-hành trong cái đạo biến hóa của trời đất, khác nào như đàn cá lặn-lội ở giữa dòng nước chảy, tuy lúc nào cũng có cái năng-lực vẫy-vùng chạy nhảy, nhưng vẫn cứ phải trôi theo dòng nước. Dòng nước chảy càng to, càng mạnh bao nhiêu, thì sự trôi đi lại càng khó cưỡng lại bấy nhiêu. Sự trôi đi như thế, tức là thiên-mệnh vậy. Song ta phải hiểu rằng trong khi ta theo thiên-lý mà lưu-hành, thì bao giờ ta cũng có cái năng-lực tự-do để tự cường tự kiện, khiến cho cái tâm tình của ta được sáng-suốt, mẫn-nhuệ, để lúc nào ta hành-động cũng không mất cái trung. Vậy trong sự theo thiên-mệnh ấy, có cái sức cố gắng rất cường-kiện để hoạt-động luôn, chứ không phải như những người tầm-thường nhu-nhược, cứ đành chịu ép một bề mà đợi số mệnh. Bởi thế cho nên kinh Dịch nói rằng: «Thiên hành kiện, quân-tử dĩ tự-cường bất tức 天 行 健,君 子 以 自 彊 不 息: Việc hành-động của Trời rất mạnh, người quân-tử phải theo mà tự cường không nghỉ. » (Dịch: Tượng, thượng truyện). Nếu người ta hiểu không rõ cái ý-nghĩa ấy, rồi cứ vì cái lẽ theo thiên-mệnh mà thành ra biếng trễ, thì tự ông Trời cũng tuyệt-diệt đi, không tài-bồi cho cái yếu-đuối hèn-hạ bao giờ. Sách Trung-dung nói rằng: « Thiên chi sinh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc yên, cố tài giả bồi chi, khuynh