Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

124
NHO-GIÁO


Nói tóm lại, nhân gồm cả thểdụng. Thể thì tịch-nhiên im lặng, và vẫn sẵn có cái năng-lực sinh tức ra các cái đức tính tốt, tức như cái hột trong quả, bởi có hột mà mọc ra mầm, ra cành, ra lá. Cũng vì vậy mà ta gọi cái phần ấy ở trong hột là nhân. Dụng thì dễ cảm dễ ứng, lúc nào cũng suốt đến cả vạn vật, bởi vậy làm việc gì cũng trúng-tiết và rất thích-hợp với thiên lý.

Kẻ nhân-giả suốt cả người đầy những tình-cảm chân-thực, cho nên đã nhân thì bao giờ cũng hiếu đễ và trung thứ; kẻ bất-nhân thì đầy những trí-thuật, rất khôn-khéo, rất linh-lợi, mà tình-cảm đơn-bạc và không chân-thực, cho nên thành ra gian-ác tàn-nhẫn. Bởi thế Khổng-tử nói rằng: « Cương, nghị, mộc, nột, cận nhân 剛,毅,木,訥,近 仁: Cương-trực, nghiêm-nghị, chất-phác, trì-độn, là gần nhân. » (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII) — « Xảo ngôn lịnh sắc tiển hỹ nhân 巧 言 令 色 鮮 矣 仁: Nói khéo và sửa nét mặt cùng hình dáng bề ngoài, là ít có nhân vậy. » (Luận-ngữ: Học-nhi, I). Xét rõ ý-nghĩa những câu ấy, thì hiểu thế nào là nhân, thế nào là bất-nhân. Nhân thì thật-thà, chất-phác và có cái sinh-thú áng-nhiên; mà bất-nhân, thất-trung, thì khôn-ngoan quỉ-quyệt, hay làm hại cái sinh-cơ.