Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

118
NHO-GIÁO


phần vật-chất là phải biến-hóa mà thôi, còn phần tinh-thần là của Trời phú cho, thì bao giờ cũng có cái tư-cách độc-lập và cái năng-lực tự-do để cố gắng mà tiến lên cho đến chí-thiện, chí-mỹ. Nếu ta biết dụng công-phu mà sáng-tạo ra những sự-vật có tinh-thần mạnh-mẽ, có khí-lực linh-hoạt, tức là ta theo đạo trời đất mà sinh sinh. Thí-dụ: Nhà triết-học phát huy ra cái tư-tưởng cao-xa, nhà văn-chương làm ra quyển sách kiệt-tác, nhà mỹ-thuật chế ra pho tượng rất đẹp, hay là nhà khoa-học tìm ra cái cơ-khí rất diệu, đều là hợp với cái đức sinh của trời đất cả.

Vậy hợp với cái đức sinh là thiện, trái với cái đức sinh là ác. Cái quan-niệm về sự thiện sự ác của Khổng-giáo gốc ở sự sinh.

Sự sinh là phần rất linh-hoạt trong Khổng-giáo. Bởi có phần ấy cho nên những điều nhân nghĩa lễ trí mới có tinh-thần, vì những điều ấy chủ ở sự gây thành cái sinh thú của nhân-loại. Nếu người ta sống ở đời mà chỉ tùy-tùng cái vật-dục, để nó sai khiến, rồi chỉ cầu lấy tư-tâm tư-trí mà sinh sự ra để làm nhiễu-loạn nhân tâm, thì thật là làm hại cái sinh cơ của tạo-hóa. Vậy nên cái tôn-chỉ của Khổng-giáo là theo thiên lý mà bồi bổ cho sự sinh của trời đất. Sự bồi bổ đó gốc ở đạo nhân là cái cơ-sở giáo-hóa của Khổng-giáo.