Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

112
NHO-GIÁO


« Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi; duy tinh, duy nhất, doãn chấp quyết trung 人 心 惟 危,道 心 惟 微;惟 精,惟 一,允 執 厥 中: Cái tâm của người thì nguy, cái tâm của đạo thì vi; phải giữ cái tâm của mình cho tinh-thuần và chuyên-nhất, thì mới giữ được cái trung. » (Thư: Đại-Vũ mô). Nhân tâm nghĩa là cái phần sáng-suốt riêng của người ta, tuy là một phần thiên lý, tức là một phần đạo tâm, nhưng thường hay bị vật dục làm tế-tắc, hơi sai một ly là chếch lệch ngay, cho nên mới nói là nguy. Đạo tâm nghĩa là phần sáng-suốt trong vũ-trụ, thuần-nhiên là thiên lý, song nó vô thanh vô khứu, ta giữ được hay không là ở ta mà thôi, chứ không thể làm cho tỏ rõ ra được, cho nên mới nói là vi. Ta biết cái tâm của ta là nguy, hễ sai một hào một ly là mất cái trung rồi, cho nên ta phải lo sợ, phải cố hết sức mà giữ cho nó không chếch-lệch. Ta lại biết cái đạo tâm là vi, cho nên ta phải duy tinh, duy nhất, để biết cho rõ cái đạo tâm, thì rồi mới giữ được cái trung.

Giữ đạo trung khó như thế, vậy nên kẻ học-giả phải cố gắng hết sức, lúc nào cũng giữ cái tâm mình cho công chính, đừng để cái tư-dục làm tế-tắc, thì mới biết cái thuần-túy của thiên lý. Biết cái thiên lý thuần-túy ấy rồi tin mà theo, thì mới chấp được trung.