Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

108
NHO-GIÁO


nghĩ, không làm, im lặng không động, đến lúc cảm thì suốt được mọi cớ trong thiên-hạ. » (Dịch: Hệ-từ thượng). Sự cảm ứng tự-nhiên thì bao giờ cũng công-chính phổ-cập vạn sự trong thiên-hạ không thiên tư gì cả. Nếu người ta không hiểu lẽ ấy, mà cứ dùng tư-tâm tư-ý để cầu lấy sự cảm-ứng riêng của mình, thì không sao suốt được đến cái lẽ trong thiên-hạ. Bởi vậy kinh Dịch nói rằng: « Đồng đồng vãng lai, bằng tòng nhĩ tư 憧 憧 往 來 朋 從 爾 思: Chăm chăm để ý có đi có lại, thì chỉ có một bọn theo cái nghĩ của ngươi mà cảm ứng thôi. » (Dịch: Hạ-kinh, Hàm). Khi mình chăm chăm để ý nghĩ riêng về cái gì, thì chỉ cảm được cái ấy và chỉ có cái ấy ứng lại mà thôi, còn những cái khác không cảm ứng gì cả. Thành thử sự cảm-ứng không khuếch-nhiên thái-công, không khắp cả vạn sự trong thế-gian. Phàm khi đã lấy tư-tâm tư-ý chú về việc lợi hại, hơn thiệt riêng, thì cái trực-giác mờ tối đi, khiến mình không trông thấy rõ cái thiên lý lưu-hành ở trong thiên-hạ nữa.

Thiên lý tuy biến hóa chia ra trăm đường nghìn lối, nhưng rút lại cũng chỉ thuộc về một mối mà thôi. Hễ người ta biết rõ như thế, thì còn phải lo nghĩ gì nữa. Cho nên Khổng-tử nói rằng: « Thiên-hạ hà tư hà lự? Thiên-hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi