Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

107
NHO-GIÁO


Cái sáng-suốt ấy là cái tính rất quí của người ta. Nhờ có nó người ta mới hiểu được điều phải điều trái, việc hay việc dở, nhờ có nó người ta mới có cái giá-trị rất cao và cùng với trời đất mà chiếm được cái địa-vị tôn quí trong vũ-trụ. Bởi vậy hậu nho gọi người và trời đất là tam tài 三 才. Nếu không có cái sáng-suốt ấy, thì ta cũng giống như các vật khác, cứ sinh sinh hóa hóa mà vẫn cứ mờ mờ mịt mịt, không biết có nghĩa lý gì nữa cả.

Cái sáng-suốt tự-nhiên có sẵn trong người ta là minh-đức 明 德 hay là lương-tri 良 知, có thể gọi là trực-giác 直 覺, tức là cái khiếu tri-giác rất mẫn-tiệp, xem xét cái gì có thể đạt ngay đến cái tinh-thần và cái chân-lý của các sự-vật. Cái khiếu tri-giác ấy do ở trong tâm người ta. Chữ tâm của Nho-giáo phải hiểu nghĩa rộng là cái thần minh làm chủ-tể cả sự tư-tưởng cùng sự hành-vi của người ta. Hễ ta giữ được cái tâm hư-tĩnh, không để cho cái vật-dục che tối mất cái sáng-suốt tự-nhiên, thì khi có vật gì cảm đến là ứng ngay được, và biết rõ ngay các lẽ. Tâm người ta mà tĩnh bao nhiêu, thì cái trực-giác lại càng mẫn-nhuệ bấy nhiêu. Bởi thế mới nói rằng: « Vô tư giã, vô vi giã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên-hạ chi cố 無 思 也,無 爲 也,寂 然 不 動,感 而 遂 通 天 下 之 故: Không