CHƯƠNG THỨ TÁM
Tặng lan
Mưa rầm gió bấc, rả-rích thâu canh, hơi lạnh qua khe cửa phào-phào, tựa như cùng với người sầu trò-chuyện. Lê-nương ngồi đợi Bằng-lang, Bằng-lang xông mưa đi xuống, nàng bèn hỏi gạn về tình-trạng chàng say thế nào. Bằng-lang nhất-nhất kể nàng nghe, và lại rút một tờ giấy ở trong túi áo đưa nàng mà rằng: « Đây tờ giấy này thầy con bảo cầm về đưa mợ xem đấy. » Nàng cầm lấy để lên trên mặt hộp gương, rồi cởi áo tháo giầy cho Bằng-lang đi ngủ trước đã. Bấy giờ đã đến nửa đêm, ngoài song càng mưa gió ầm-ầm, hơi lạnh lọt vào, khiến người phải ghê rùng da thịt. Nàng lúc ấy vẫn chưa cởi áo đi ngủ, ngồi tựa bên giường rút thoa gạt cái hoa đèn rồi giở tờ giấy của Mộng-Hà ra đọc. Thoạt trông từ đầu đến cuối tờ giấy, nét chữ chẳng khác như rồng bay rắn lộn, mà chữ nào cũng đều xiên-xẹo ngả-nghiêng, biết là chàng viết lúc đương say nên mới không được chỉnh-tề như thế. Kế xem đến lời văn thì nguồn sầu chan-chứa, lửa giận nồng-nàn, cái khí uất-ức ở trong lòng tuôn ra cả ở đầu ngòi bút, tự oán tự thương, lời lời phẫn-khích, thực có cái vẻ « Trời cao bể rộng xót thân giang hồ ». Tài học như thế, cảnh-ngộ dường kia, thực cũng đáng thương cảm vô cùng. Than ôi! từ xưa đến nay các bạn má-hồng vì một tấm lòng liên-tài nó làm lầm-lỡ cho đời mình phỏng biết bao nhiêu mà kể! Lê-nương từ thuở bóng chiếc buồng không, lòng như nước đứng; không biết cớ sao gặp một người không từng quen biết là Mộng-Hà mà lại đem lòng xót mướn thương vay! Từ phen gặp-gỡ, mấy độ lân-la, nợ trước đã không, duyên sau chẳng phải, muỗi nọ khéo đâm đầu vào lửa, tằm kia tự buộc chết lấy, mình, bể khổ cùng chìm, cất đầu chẳng được, đường mê đã lạc, tối mắt như bưng, đó chẳng phải là nghiệt oan đeo nặng những ngày nào, cho nên không thể tự-do giải-thoát được đấy ư? Song khuya mưa gió, hưu-quạnh một mình, chàng đã từ « làng say » vào « làng ngủ » rồi, mà nàng vẫn phơ-phất cờ