Trang:Nam Phong Tap Chi 1.pdf/6

Trang này cần phải được hiệu đính.
2
NAM PHONG

Bản-báo không dám tự coi như một cửa công-đường mà ra tay sử-đoán những thói ăn cách ở hay dở dại khôn của quốc dân.

Vậy thì bản-báo định làm gì ?

Bản-báo có một cái chuơng-trình riêng, một cái tôn-chỉ riêng.

Trước nhất bản-báo muốn đem sức nhỏ tài mọn mà giúp cho sự học trong nước. Ngày nay ai cũng biết rằng học-giới nước ta chống-chải suồng-sã là nhường nào. Dân có giầu, người có khôn, nhưng sự học xem như còn mơ-hồ lắm lắm. Mà có khôn, có giầu, ít học, thì tưởng cũng chưa gọi là tiến-bộ cho lắm.

Hoặc giả có người nói rằng : Ngày nay trường học dựng lên nhan-nhản, đứa trẻ mười tuổi cũng biết điện-khí hơi-nước là cái gì, cũng biết làm nổi bốn phép tính, viết được cái thư quốc-ngữ hỏi thăm bố mẹ anh em ; so với trước sự học chẳng phải là có tiến-bộ lắm dư ?

Xin đáp rằng : Sự học có năm bẩy đường, người học có năm bẩy hạng. Khác nhau chỉ bởi cái trình-độ cao-thấp mà thôi. Nhất-ban quốc-dân đều biết chữ cả thì thực là một sự rất hay. Nước lấy dân làm gốc, trong dân nếu được nhiều người có cái thông-thường học-thức, thì cái gốc trong nước tất được bền-chặt, cái nền trong nước tất được vững-vàng thêm lên. Vả phàm sự tiến-bộ quan-hệ đến một dân một nước, tất phải bắt đầu từ dưới lên. Trước dễ sau khó là cái nhẽ thường vậy. Như sự học trước phải cốt cho phổ-thông, sau mới cầu được hoàn-bị. Nhà-nước Bảo-hộ thực đã thâm-hiểu nhẽ đó, cho nên trong việc khai hóa dân ta lấy sự phổ-thông giáo dục làm một sự yếu-cần. Mỗi ngày mở thêm trường Pháp-Việt để dậy-dỗ cho bọn thiếu-niên nước ta biết những điều cần-dùng nên biết. Nhờ đó ngày nay trong nước mới có nhiều trẻ đã biết điện-khí hơi-nước là vật gì, đã làm nổi bốn phép tính, viết được một bức thư. — Về phương-diện ấy thì có tiến-bộ hơn xưa thực. Sự tiến-bộ ấy hiển-nhiên ai cũng biết. Nhưng xét về một phương-diện khác, thì xem như sự tiến-bộ còn chưa được rõ lắm ; xét kỹ thì ngờ rằng không biết có tiến-bộ hay không. Nước cốt ở dân, dân chủ ở một bọn người gọi là bọn « thượng-lưu », hay là bọn « thức giả xã hội », như nhà có cái nóc vậy. Nhà không có nóc thi ở sao được ? Nước không có một bọn thượng-lưu trí-thức để giữ-gìn cái cốt-cách trong nước, để bồi-dưỡng cái quốc-túy, thì sao gọi là một nước được ? Có nhà danh-sĩ Pháp đã nói rằng : « Nước Pháp sở-dĩ là nước Pháp, cũng chỉ nhờ một bọn bốn năm mươi người đại-trí. Nếu không có bọn ấy thì nước Pháp không phải là nước Pháp nữa. » Xưa kia bọn thượng-lưu trong nước ta là bọn nho-học. Nước ta không có đẳng-cấp sai-biệt như các nước khác, song sùng-trọng riêng một bọn nho, là vì bọn nho là đại-biểu cái « cao-đẳng học-thức » trong nước. Ngày nay nho-học không thích-hợp với thời-thế như xưa, sự bài-bác cái cựu-học đã thành lệ, nhời bài bác đã thành sáo vậy. Nhưng bất luận cái cựu-học hay hay là dở, cũng phải biết rằng đương thời thực là hợp với cái tình-thế trong nước, hợp với cái trình-độ quốc-dân, mà lâu ngày di-truyền đã thành như cái nền cái gốc của sự sinh-hoạt người nước ta về đường trí-thức, về đường đạo-lý. Về đường trí-thức thì cái học-vấn cũ đã in sâu vào trong não ta những lối tư-tưởng cảm-giác, không bao giờ mất hẳn đi được. Về đường đạo-đức thì cái luân-lý cũ đã gây dựng ra xã-hội ta, mà làm nền làm gốc cho cái gia-tộc của ta, cùng các chế-độ nhớn trong nước. Nhờ cái học-vấn cũ, cái đạo-đức cũ ấy, mà nuớc ta đã sinh-tồn được đến ngày nay, đã có