Trang:Nam Phong Tap Chi 1.pdf/33

Trang này cần phải được hiệu đính.

TRIẾT-HỌC BÌNH-LUẬN


CÁI VẤN-ĐỀ VỀ SỰ TIẾN-BỘ

Hai cái tỉ-lệ của sự văn-minh : cái « lượng » cùng cái « phẩm »

Thế-giới ngày nay có tiến-bộ hay không ? Mới hỏi câu ấy thì ai cũng nghĩ ngay đến ngày nay sự giao-thông tiện-lợi, các máy-móc phát-đạt, nghĩ đến hỏa-xa điện-khí, mà tất đáp lại rằng : thế-giới có tiến-bộ. Nhưng nghĩ kỹ đến phong-tục suy-vi, những thói cách phong nhã ngày xưa không còn nữa, những tính nết cao-thượng đã mất đi nhiều, thì lại ngờ rằng không biết thế-giới có tiến-bộ thực, hay là thế-giới suy-đồi. Xét như trên là xét theo cái lượng (quantité), tức là cái có thể đo-lường được, tức là cái hình-thức vậy. Xét như dưới là xét theo cái phẩm (qualité), tức là thuộc về « phẩm chất », thuộc về tinh-thần, thuộc về vô-hình mà không thể đo-lường được vậy.

Thế-giới ngày nay là thế-giới của cái lượng với cái phẩm cạnh-tranh nhau, kết-cục là sự chiến-tranh kinh-thiên động-địa này.

Guglielmo Ferrero tiên-sinh là một nhà làm sử có danh tiếng ở nước Ý-đại-lợi. Tiên-sinh thường chủ ý nghiên-cứu cái vấn-đề về phẩm lượng ấy. Mấy năm trước đã từng sang du-lịch Mĩ-châu, là nơi cái văn-minh thuộc về phần lượng thịnh-hành hơn nhất trong đời bây giờ. Khi về tiên-sinh có soạn một bộ sách bằng chữ Pháp, thuật-lại những sự kinh-lịch ở Mĩ-châu, so-sánh hai cái văn-minh thuộc về lượng cùng thuộc về phẩm mà kết-luận rằng thế-giới ngày nay thiên-trọng cái lượng hơn cái phẩm thì có hại mà không có lợi, hai cái phải điều-hòa ngang nhau thì sự văn-minh trong thế-giới mới thực là có tiến-bộ. Trước khi chiến-tranh, tiên-sinh có đọc một bài diễn-thuyết tóm-tắt đại-ý trong sách ấy tại trường đại-học Sorbonne ở Paris. Bài diễn thuyết ấy giải cái vấn-đề một cách rất rõ-ràng phân-minh ; nhời nhẽ bình-dị mà thuần-nhã, có cái hứng-vị riêng, dẫu chuyển sang nời nôm cũng còn phảng-phất ít nhiều. Bởi vậy chúng tôi dịch cả nguyên văn như sau này để hiến các nhà học-vấn nước ta một món tư-tưởng mới.

Vả cái vấn-đề về phẩm lượng ấy không phải là chỉ quan-hệ riêng đến các xã-hội Âu-châu, thực là quan-hệ đến cả thế-giới vậy. Các nước Đông-phương ta ngày nay đua nhau sô-đẩy vào trường sinh-tồn cạnh-tranh, cũng đã đến ngày sắp phải giải-quyết cái vấn-đề khốn-nạn ấy. Cái văn-minh cũ của ta ngày xưa là cái văn-minh thuần-phẩm, phần lượng rút lại không có mấy. Nên xưa nay ta chỉ thiên-trọng bề tinh-thần mà nhãng bỏ bề hình thức. Bởi thế mà ta không đủ tư-cách ra đua tranh trong cái thế-giới thuần-lượng ngày nay. Muốn có cái tư-cách ấy thì thế tất ta phải rút bớt cái phẩm cũ đi, mà tăng thêm cái lượng mới lên. Vậy thì buổi này là buổi rất quan-trọng cho ta ; ta phải nên cẩn-thận, khéo kén chọn, khéo điều-hòa, cho hai cái phương-diện phẩm lượng cân nhau, thì sự tiến-bộ của ta mới được vững-vàng chắc-chắn. Về phần lượng thì ta phải học lấy