Trang:Nam Phong Tap Chi 1.pdf/30

Trang này cần phải được hiệu đính.
26
NAM PHONG

giận vợ thất-ước, mà lại hối rằng mình đã mê-cuồng. Bấy giờ mới nói với học-trò mấy nhời tuyệt-ngôn, rồi vào tiêm một liều tinh thuốc phiện mạnh hơn mọi lần, ngồi tựa vào cái ghế mà chết...

Viên thiếu-úy mấy hôm sau, cái vết đau nặng mãi lên, không thể chữa được, cũng tạ thế. Lúc hấp-hối tay ôm thánh-giá trên ngực, miệng cầu kinh, mặt điềm-nhiên, sắc tươi-tỉnh, như người đã bước chân vào cực-lạc. . .

Phu-nhân từ đấy như mang cái u sầu ở trong lòng, ngày đêm chỉ kiệt-lực thuốc thang cho những người ốm trong bệnh-viện, quên ăn quên ngủ, tựa-hồ như có ý muốn hi-sinh cái thân-mình để báo-đáp cho vong linh người thác.

Marsal y-sư thấy phu-nhân làm việc nhiều quá, thường khuyên nên nghỉ sức thì phu-nhân đáp lại rằng :

« Bác khuyên tôi không nên làm việc quá. Tôi có làm việc thì tôi mới khuây-khỏa được. Có khi đã làm việc cả ngày cả đêm, mệt nhọc quá, tôi tự nghĩ trong bụng rằng : Nếu cái lòng tín-ngưỡng của anh Le Gallic là phải, nếu còn có một cái thế-giới khác nữa, nếu cái linh-hồn của chồng tôi không tiệt-diệt mất, nếu còn phảng-phất ở nơi nào mà phải chịu đau khổ, thì có dễ cái công tôi giúp đỡ cho những người đau ốm ở đây cũng ảnh-hưởng đến chồng tôi được ít nhiều chăng... Ấy là trong bụng tôi ước-ao như thế, vẫn còn hồ-nghi lắm. Nhưng hễ tôi nghĩ đến thế thì tôi thấy trong người tôi nó khoan-khoái lạ, tựa hồ như có một tiếng cám ơn ở đâu xa đưa văng-vẳng đến tai tôi . . . Nhưng ở đâu ? »

Nhưng ở đâu ? . . . Muốn đáp được cái câu hỏi ấy thì phải có cái lòng tín-ngưỡng, không lấy sự suy-lý thường mà giải được. Phu nhân tuy chưa có cái lòng tín-ngưỡng, nhưng đã khởi lên câu hỏi ấy thì đủ biết rằng đã có tư-cách mà chịu cái cảm-hóa của tôn-giáo vậy.

Đó là cái kết-luận trong truyện. Nhà làm truyện đã tả cho ta hai cảnh chết thực là khác nhau ; một bên thì một người thương-lưu nhân-vật, đủ bề tài-trí vẻ-vang. Hốt-nhiên thấy cái chết nó phát-hiện ra trước mặt, bèn lấy một cái quan-niệm riêng mà đối-đãi với nó. Nhưng không thể thích-hợp với nó được. Vì cứ cái quan-niệm ấy thì cái chết là sự tiệt-diệt cả cái « cảm-tình hồn » của mình, tất bao nhiêu tình-dục trong người nó nổi cả lên mà để-kháng lại. Cứ cái quan-niệm ấy thì cái chết lại là sự tiệt-diệt cả cái « trí-thức hồn » của mình nữa. Chắc sau khi mình chết thì học-trò mình lại kế lấy nghiệm mình, những người ốm mình đã chữa cho khỏi nhờ mình mà được sống thêm lên. Cái danh-tiếng mình chắc không sợ mai-một đi mất. Nhưng cái tư-tưởng mình, cái tinh-túy của công-phu học-vấn nghĩ-ngợi của mình, cái sức mạnh trong tinh-thần nó đã khiến cho mình cai-quát được cả vũ trụ, bấy nhiêu cái sẽ chìm đắm vào trong cái hư-không mất cả. Cả cái nhân-thân của mình rồi sẽ không còn tí gì nữa. Nghĩ đến thế mà chán, mà tức, mà nổi giận, mà phát cuồng. Nhưng sau biết tức giận cũng là vô-ích, bèn cam-tâm mà chịu phận, khác nào như anh tướng giặc thế bất-đắc-dĩ phải ra hàng, nhưng trong bụng vẫn không phục. — Một bên thì một người bình thường, một tay « vận-động », [1] nhưng mà cái thế-giới cũng không phải có gì là thâm-thúy. Cái quan-niệm của mình cũng không phải là tự mình gây dựng lấy, thực là đã chịu được của ông cha. Phàm đoán xét sự đời đều là do cái kinh-nghiệm

  1. Người « vận-động » đối với người « tư-tưởng, học-vấn ». Nhà quân tức là một người vận-động vậy.