Trang:Nam Phong Tap Chi 1.pdf/29

Trang này cần phải được hiệu đính.
25
VĂN-HỌC BÌNH LUẬN
cũng phải mong cho đến được đấy. Nếu không có cái hi-vọng ấy, nếu cái nhỡn-giới của người ta chỉ đến chết là cùng, nếu cái cứu-cánh một đời chỉ ở trong khoảng mấy mươi năm, thì giời đất này không có giống gì khổ bằng giống người, không có vật gì hèn-mạt xấu-xa bằng cái đời người vậy. Nếu linh-hồn người ta như giam trong cái buồng-kín, trông trước trông sau không thấy gì nữa, không có chỗ nào mà nhìn đến cái vô-hạn mênh-mông, thì lấy đâu sức mạnh mà gánh vác những việc nặng nhọc ở đời ? Kìa như sự chiến-tranh long giờ lở đất này, có phải đã từng nghiệm rằng phàm những người có cái tín-ngưỡng trong lòng thường biết vui-vẻ mà chết cho nước hơn là chỉ vị một cái nghĩa-vụ mà thôi ? — Bấy nhiêu câu, hình như phu-nhân đọc thấy trên nét mặt viên Thiếu-úy vậy. Từ khi mang về bệnh-viện, Thiếu-úy tuy đau nặng mà tinh-thần vẫn sáng suốt. Thường nói truyện với phu-nhân, biết cái bệnh hiểm của danh-y, lại cảm-giác mà biết phảng-phất cái bi-kịch hai người với nhau, lấy lám thương-tâm vô cùng. Về phần mình thì không còn nghi-ngờ nữa : thường trông thấy anh em bị hại mà biết rằng một cái vết thương ở đầu như cái vết thương của mình là trước sau cũng đến chết mà thôi. Cho nên bao nhiêu tâm-lực chỉ chủ vào một sự chết ấy, hình như muốn sắp-sẵn trong mình để chết cho sứng đáng. Nghĩ đến cái chết không hề sợ-hãi tức giận, mà lại bình-tĩnh khoán-khoái trong lòng. Mắt hồ nhắm lại đã tựa-hồ như trông thấy cái ánh-sáng thiên-niên. Thấy mình đối với cái chết vững vàng như thế, mà lại trông thấy hai người kia đối với cái chết một cách bi-thảm như thế, cái bi-thảm phát-hiện ra cả ngoài mặt hai vợ chồng, thì thấy trong lòng có cái vô-hạn thương-tâm, muốn làm thế nào mà cứu-vớt cho hai người ấy, bèn cầu giời xin hiến cái hồn của mình để chuộc tội cho kẻ nhầm đường lạc lối. — Phu-nhân trông thấy cái thái-độ viên Thiếu-úy như thế mà tự cảm trong lòng, chạnh nghĩ đến cái thái-độ của mình cùng chồng mình : một bên thì bình-tĩnh mà kiên-nghị, một bên thì khắc-khoải mà chuân-chuyên. Lại thêm mấy hôm sau, danh-y bệnh mỗi ngày một nặng, biến đổi cả tính-khí đi : người xưa nay có độ-lượng nhớn nhao như thế, mà một hôm nghi-ngờ thế nào thậm-chí mình là người chữa bệnh, người ta là người có bệnh sắp chết, đến nỗi lại hỏi độp vào mặt viên Thiếu-úy rằng có phải xưa nay vẫn yêu thầm trộm giấu vợ mình không ! Một người trí-thức cao-thượng như danh-y mà tự-hạ đến những thói ghen tuông tầm thường như thế, thì thực là một sự cuồng-sảng vậy. — Trông thấy hai cái thái-độ phải đối nhau như thế, phu-nhân không thể không hồi tưởng đến cái việc quyết-định của mình mà tự hỏi nó có chính-đáng không. Bấy giờ trong bụng phu-nhân phát-hiện ra một sự hồ-nghi nhớn. Nghĩ cái tâm-sự phu-nhân lúc ấy mà thương thay ! Nay sắp phải thi-hành cái nhời ước của mình, mà trong bụng mình không tin cái ước ấy nữa. Mà nào có cái ước tầm-thường đâu, cái ước gớm ghê thay !... Trong bụng phu-nhân đã biến-đổi như thế, mà trong lúc ấy ông chồng vẫn còn mê chưa tỉnh, cho mãi đến lúc sau cùng là lúc cùng tận mới tỉnh-ngộ. Hôm ấy là hôm trước ngày ông định từ biệt thế-gian để cùng đi với vợ. Phu-nhân thấy ông sắp sửa, biết đã tới hẹn, nhưng đến lúc sắp bước chân xuống vực, thì thấy có cái ám-lực gì nó cầm lại, không thể nào bước được cái bước sau cùng. Cực thân, tủi phận, thẹn với chồng, thẹn với mình vì thất-ước, ôm mặt nức-nở khóc, lấy mảnh giấy vạch mấy nhời để giãi tâm-sự. Chồng xem giấy bấy giờ mới tỉnh-ngộ, không những là không