Trang:Nam Phong Tap Chi 1.pdf/22

Trang này cần phải được hiệu đính.
18
NAM PHONG

mà giải-quyết được. Nước Pháp không bao giờ chịu rằng cái cứu-cánh mục đích của sự học là chỉ để nghĩ thêm cho người ta những cách phá-hoại áp-chế lẫn nhau. Một nhà văn-sĩ cổ của nước Pháp tên là Rabelais đã từng nói câu tuyệt-ngôn này : « Học-vấn không có lương-tâm chỉ là tai-hại tâm-tính » (Science sans conscience n'est que ruine de l'âme). Nước Pháp không thể tưởng-tượng được rằng một dân, một lối tinh-thần riêng nào, lại có cái quyền đạp-đổ những dân khác, những lối tinh-thần khác được. Cái lý-tưởng mà nước Pháp mong tới đến được, không phải là cái lý-tưởng muốn biến sự tư-tưởng, sự sinh-hoạt của người ta thành cái máy vô-hồn cứng-cỏi, thực là cái lý-tưởng muốn để cho cái tinh-thần riêng của mỗi nước được tự-do mà phát-siển ra cho điều-hòa. Một thế-giới chỉ thấy thịnh-hành cái võ-lực của bọn quân-nhân, cái hình-thức của bọn ngụy-nho, cái kiêu-căng của bọn quan-lại, chỉ thấy thiên-trọng cái xấu-xa thô-bỉ, cái to-nhớn quá độ, một thế-giới như thế, thì nước Pháp lấy làm một nơi địa-ngục cực-kỳ khả ố vậy. Kẻ khác gọi là cái « văn hóa », thì nước Pháp gọi chính danh nó là cái giã-man vậy. Cái giã-man càng có học bao nhiêu lại càng giã-man bấy nhiêu. Đối với cái giã-man ấy thì cái văn-minh của nước Pháp thực là trái ngược hẳn. Nước Pháp là sự tự-do, là cái vẻ ưu-mĩ khả-ái, là sự biết điều độ, là sự lễ-mạo văn nhã, là sự kín-đáo, là sự tiêm-tất ; nước Pháp là sự khoan-dung, sự nhân từ, sự bác-ái ; nói rút lại một chữ thì nước Pháp là nhân-đạo vậy. Nếu nước Pháp mà biến mất đi thì đời người cũng giảm mất một phần cao-thượng, một phần phong-thú vậy. »

Bọn ta nay đã biết cái tinh-thần của nước Pháp tốt đẹp là chừng nào, thì cái lòng cảm-giác phảng-phất lúc nãy tất tỏ-rạng dần ra mà biến thành cái bụng cảm-phục sáng-suốt.

PHẠM QUỲNH