Trang:Nam Phong Tap Chi 1.pdf/17

Trang này cần phải được hiệu đính.
13
VĂN-MINH HỌC-THUẬT NƯỚC PHÁP

chải-chuốt chau-ruã cho nó rất vắn-tắt, rất giản-gị, rất phân-minh, khiến cho người đọc thấu-giải được ngay, không phải mất công khó nhọc tí nào. Bởi văn Pháp có cái đặc-tính như thế nên xưa nay đã được cái danh-dự dùng làm văn chung cho vạn-quốc trong việc giao-tế các nước với nhau. [1] Cái danh-dự ấy thực là sứng-đáng vậy thay !

III

Thứ-chi đến triết-học.

Muốn phát-biểu cái đặc-tính của triết-học nước Pháp, không gì bằng so sánh triết-học Pháp với triết-học Đức. Nước Đức xưa nay vẫn tự-phụ là nước chuyên-trị triết-học nhiều. Cái triết-học ấy hay dở thế nào, sự chiến-tranh ngày nay đã chứng hiển-nhiên cho thiên-hạn biết rồi. Nay cứ cái hình-thức mà xét thì triết-học Pháp thực là trái hẳn với triết-học Đức. Nước Đức lấy triết-học làm khoa chuyên-môn, chỉ một bọn người chuyên-trị, học riêng với nhau, bàn riêng với nhau, không trực-tiếp với người ngoài, mà không vụ cho cái tư-tưởng của mình đối-chiếu với nhẽ thực, nhẽ phải thông-thường. Bởi thế mà cái triết-học của Đức bí-mật, u-ám, khi cao thì siêu-việt quá mà biến ra mây ra khói cả, khi thấp thì đê-liệt quá, thô-bỉ mà cứng-cỏi. — Triết-học Pháp thì thực là khác. Người Pháp lấy triết-học là một món chung cho cả mọi người có học-vấn, có trí-thức. Phàm làm người ai cũng có cái tư-cách biết suy-nghĩ, biết tư-tưởng, vậy thì ai cũng có thể lĩnh-hội phán-đoán cái chân-lý được. Nhà triết-học nghiên-cứu cái chân-lý, sở-đắc điều gì, phải đem công-bố ra cho mọi người biết, không phải là để nghiền-ngẫm trong một bọn chuyên-môn với nhau. Bởi thế mà phần nhiều các nhà triết-học Pháp đều là những nhà làm văn hay cả, vì muốn công-bố cái tư-tưởng của mình cho đắc-lực, tất phải biết diễn-giải nó ra cho người ta dễ nghe và dễ hiểu. Thực là trái với những nhà triết-học Đức, thường dùng một lối văn kỳ-khu trắc-trở, ngoài bọn nhà nghề ai xem cũng phải chán. — Triết-học Pháp lại còn có một các đặc-tính nữa, là nó thâm-nhập cả các môn học khác. Các nhà triết-học thường kiêm văn-học, các nhà văn-học cũng không mấy khi là không có tư-cách nhà triết-học. Những bực văn-hào như Bossuet, Voltaire, Lamennais, Taine, Renan mấy tiên-sinh, thực có thể liệt bằng-đẳng với những nhà triết-học chước-danh được. Không kể những bậc ấy, đến những nhà thuần văn-chương như Corneille, Molière, Racine các tiên-sinh, mỗi nhà cũng có một cái « triết-học » riêng, tức là một cái quan-niệm về thế-giới, về người ta, cái triết-học ấy tán mạn trong khắp sách vở của mỗi nhà. Triết-học Pháp cũng thâm-nhập cả khoa-học nữa. Không những cái lệ thường ở nước Pháp là những nhà triết-học phải có một cái « cách-trí học-vấn » rộng ; lắm nhà đại triết-học lại vừa là những bậc lý-học danh-gia nữa, như Descartes, Pascal, Auguste Comte, Cournot, Claude Bernard, Henri Poincaré các tiên-sinh. Khoa-học triết-học thâm-nhập nhau như thế thì lợi cả hai đằng. Nhà triết-học trong khi quan-sát các nguyên-lý, lấy thực-tế làm căn-cứ, không sợ tư-tưởng những sự hoang-đường. Nhà khoa-học trong khi


  1. Hòa-ước Nhật-Nga năm 1906, điều 25 nói rằng : « Hòa-ước này làm bằng văn Pháp cùng văn Anh. Hai bản thực giống nhau, nhưng hễ khi có dị-nghị thì sẽ lấy bản Pháp văn làm bằng. » — Một người Nga tên là J. Novicow mấy năm trước có xướng lên cái nghị rằng các nước văn-minh Âu-châu, ngoài tiếng mình, nên dùng tiếng Pháp làm tiếng giao-thiệp chung.